Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo - tỉnh xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Theo đó, nhiều năm qua, môi trường giáo dục trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, cơ sở vật chất trang thiết bị đầu tư cho giáo dục ngày càng được quan tâm; hệ thống trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp giảm số điểm trường, lớp ghép để tạo điều kiện thuận lợi tổ chức các hoạt động giáo dục. Toàn tỉnh hiện có 275 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm 41,8%, vượt mục tiêu đề ra).
Công tác đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh được chú trọng. Nhờ đó, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá giỏi các cấp học tăng dần theo từng năm, tỷ lệ tốt nghiệp THPT được duy trì ở mức cao. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được giữ vững ở 100% xã, phường, thị trấn. Hiện toàn tỉnh tỷ lệ người biết chữ đạt 99% (vượt mục tiêu đề ra). Công tác hướng nghiệp, phân luồng, đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo 10 năm qua tăng 23%.
Cùng với đó, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên. Công tác quản lý trong các nhà trường có sự đổi mới tích cực và hiệu quả; đảm bảo tốt chế độ, chính sách cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng thẳng thắn thừa nhận, việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đôi lúc còn chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, chưa có tính đột phá; công tác quản lý giáo dục chưa có nhiều chuyển biến mang tính căn bản; một số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019; hiệu quả huy động các nguồn lực xã hội hóa cho giáo dục và đào tạo còn thấp; giáo dục ngoài công lập phát triển chậm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn, Hoàng Văn Nghiệm đề nghị:
Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục nêu cao nhận thức về tầm quan trọng công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường quán triệt các văn bản của trung ương, của tỉnh trọng tâm là Nghị quyết số 63-NQ/TU, ngày 29/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới căn bản, phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các đề án, chương trình, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tăng cường nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất cho giáo dục và đào tạo.
Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh cần triển khai sâu rộng các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, linh hoạt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá chất lượng dạy và học, bảo đảm thực chất, chính xác, khách quan, chống bệnh thành tích; kịp thời động viên, khen thưởng, tôn vinh những gương tập thể, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tiêu biểu, điển hình có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến, tập trung vào các nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; đổi mới, nâng cao công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề; công tác bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ và đa dạng hóa các ngoại ngữ trong trường học nhằm tiếp cận chuẩn giáo dục quốc tế…
Tại hội nghị, 22 tập thể, 14 cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Công Thành