74.000 tỷ đồng - hơn 3 tỷ USD, là số nợ của Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV). Số nợ này lớn gấp 1,6 lần vốn sở hữu. Ông bình luận như thế nào về “gánh nợ” hơn 3 tỷ USD đang “đè nặng” lên TKV?
Nếu sòng phẳng “lời ăn lỗ chịu” theo cơ chế thị trường, các doanh nghiệp tư nhân sẽ bắt buộc phải chấp nhận ‘cuộc chơi” thị trường. Nhưng với các DNNN lại có “lý do” khi nói về những khoản lỗ của mình, như vì nhiệm vụ chính trị.
Ví dụ, TKV phải đảm bảo nguồn cung đầu vào cho một số nhà máy năng lượng. Trong đó có ký thoả thuận 3 bên giữa Bộ Công Thương, EVN và TKV để đảm bảo nguồn cung về than cho các nhà máy nhiệt điện.
Phân tích sâu về con số lỗ của TKV thì cũng rất khó. Vấn đề bây giờ là phải “chẻ” ra nguyên nhân nào dẫn đến thua lỗ trong thời gian qua liên tục tăng. Những yếu tố nào mang yếu tố khách quan, như cú sốc về nguồn cung do Covid-19 dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, cho đến cuộc xung đột Nga-Ukraine dẫn đến việc đẩy giá nhiên liệu, năng lượng trên thế giới tăng, trong đó có than. Đây có thể là “cú sốc” ảnh hưởng đến TKV.
Cũng có những ý kiến cho rằng, chỉ việc “đào than lên để bán” mà vẫn còn thua lỗ thì không hiểu TKV kinh doanh như thế nào? Đặc biệt, trong bối cảnh chi phí năng lượng trên thế giới tăng như hiện nay, nếu xuất khẩu thì phải lãi chứ không thể lỗ. Tuy nhiên, đây là cách hiểu thông thường, còn theo tôi vấn đề cũng không đơn giản như vậy.
Vậy, theo ông vấn đề “không đơn giản” từ việc thua lỗ của TKV là như thế nào?
Tôi cho rằng, thứ nhất, một lượng than vừa phải điều tiết để duy trì cung ứng cho các hoạt động có yếu tố sử dụng năng lượng than trong nước, lại vừa phải đảm bảo nhập khẩu. Vì có một số nhà máy năng lượng không sử dụng được than sản xuất trong nước, mà phải dùng cả than nhập khẩu.
Sau khi có biến động về cung và cầu khi thế giới hồi phục thì cầu lại tăng, hoặc do cuộc xung đột Nga-Ukraine nên cầu tích trữ năng lượng, đặc biệt là cuộc khủng hoảng về năng lượng tại châu Âu thì dẫn đến tích trữ và chuyển sang các dạng năng lượng thay thế khí đốt như than. Từ đó dẫn đến giá than nhập về để bán cho EVN cũng ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của TKV.
Thứ hai, cuộc chạy đua lãi suất gây ảnh hưởng đến tỷ giá, nhất là từ tháng 07 đến tháng 11 năm 2022, chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ tỷ giá. Việc này dẫn đến các hoạt động xuất nhập khẩu nói chung, trong đó có TKV thì phải chịu yếu tố tác động tiêu cực ở khâu nhập khẩu từ tỷ giá. Đây là yếu tố tác động xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh của TKV, và nói cho cùng là các khoản lỗ.
Ở khía cạnh khác, phải chăng các DNNN chưa thực sự thích ứng được với sự thay đổi nói chung, đặc biệt là sự thích ứng trong kinh doanh vẫn chưa được cao. Từ đó dẫn đến thiếu sự uyển chuyển để giảm các loại chi phí đầu vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Do đó, doanh nghiệp phải có chiến lược để đảm bảo an toàn và an ninh năng lượng nhìn trong tổng thể vĩ mô của nền kinh tế. Chúng ta phải có bước chuyển từ từ, không thể thay đổi “sốc”.
Nếu như vậy thì phải có tầm nhìn xa để sự chuyển đổi diễn ra một cách nhịp nhàng. Ví dụ, việc chuyển sang năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời phải diễn ra nhịp nhàng và uyển chuyển hơn. Tránh tình trạng “chờ đợi” một cú sốc về năng lượng, khi giá dầu hay than tăng đột biến thì chúng ta mới “nháo nhào” quay sang huy động năng lượng tái tạo.
Vai trò và trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về Bộ Công Thương - hiện đang “giữ ô” về năng lượng, trong đó bao gồm điện lực, than, dầu khí và một số loại năng lượng khác.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các loại khoáng sản hay than không phải phục vụ trong nước mà chỉ để xuất khẩu. Như vậy, số than xuất khẩu này vẫn có thể bù đắp được than tiêu thụ trong nước. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Ví dụ, kinh doanh xăng dầu trong năm 2022 mặc dù khó khăn và giảm lãi so với những năm trước, nhưng nếu so sánh với các tập đoàn DNNN và tư nhân trong nước thì thấy, những doanh nghiệp xăng dầu tưởng như bị ảnh hưởng nặng nề như Petro, PV Oil thì đều thu về “lãi khủng” với doanh thu nghìn tỷ.
Trong bối cảnh đó, chúng ta có thể so sánh để thấy, phải chăng có yếu tố liên quan đến quản trị sản xuất kinh doanh, quyết định từ bộ máy lãnh đạo để làm sao thích ứng được với tình hình mới, tận dụng những cơ hội trong kinh doanh phải chăng còn chưa nhạy bén? Nếu so sánh tương quan cùng lĩnh vực năng lượng, cũng bị ảnh hưởng như nhau thì có doanh nghiệp lãi lớn, nhưng lại có doanh nghiệp thua lỗ triền miên?
Đây là những ví dụ để chúng ta có góc nhìn khách quan hơn. Từ đó phân tích, vậy còn có yếu tố chủ quan nào hoặc những loại chi phí trong kinh doanh gì mà TKV vẫn chưa thực sự uyển chuyển để cắt giảm, cũng như tận dụng các cơ hội.
Ngoài ra, cũng phải xem xét liệu các dự án đầu tư – thường chúng ta nhìn thấy trong bối cảnh chi phí đầu tư và dòng vốn giá rẻ những năm trước đây có thể tạo ra sự dễ dãi trong các dự án đầu tư. Đặc biệt là các dự án đầu tư có yếu tố nhạy cảm về đầu vào trong đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, hay nhạy cảm do biến động giá cả trên thế giới… thì có những dự án đầu tư TKV chưa lường trước và tính toán hết rủi ro để quản trị sự thay đổi.
Từ đó, dẫn đến các dự án đầu tư bị tăng lượng vốn và làm phát sinh thêm các chi phí. Đơn cử, năm 2022 là năm có rất nhiều biến động chi phí về vốn vay, từ vốn vay trong nước đến quốc tế đều cao. Như vậy, có thể chi phí vốn so với khoản đầu tư của TKV bị cao hơn với dự toán ban đầu. Nếu những dự án trong tương lai vẫn còn mang lại hiệu quả thì tôi hy vọng sẽ “gỡ” lại được khi đi vào sản xuất kinh doanh. Nếu dự án bị rơi vào tình trạng thua lỗ hoặc xây dựng dở dang không kết thúc được vòng xây dựng để đi vào sản xuất thì dẫn đến thua lỗ, thậm chí có thể bị phá sản.
Còn TKV có đầu tư ngoài ngành hay không thì tôi cũng chưa dám khẳng định. Vì sau kinh nghiệm “đổ vỡ” trong những năm 2011-2012 của các DNNN lớn, việc đầu tư ngoài ngành đã được các bộ chủ quản kiểm soát một cách chặt chẽ. Cho nên, đầu tư ngoài ngành hay sở hữu chéo gây rủi ro cho các khoản đầu tư theo tôi cũng đã giảm bớt.
Tuy nhiên, cũng cần xem xét các khoản đầu tư đấy có hiệu quả không? Có bị đội vốn không? Có dàn trải không? Có khả thi kết thúc vòng đầu tư xây dựng dự án không? Đây là những yếu tố cần xem xét từ việc báo lỗ của TKV.
Theo ông, “con đường” nào sẽ giúp TKV “trút bỏ” được “gánh nợ” tỷ USD đang “đè nặng”?
Thứ nhất, kịch bản tăng giá điện đã có “khung giá”. Việc tăng giá điện chính là tín hiệu để nới tăng giá đầu ra cho than.
Thứ hai, xem xét những yếu tố bất lợi của thị trường thế giới, thì nhà nước có thể hỗ trợ được phần nào hay không? Ví dụ, với lĩnh xăng dầu phần lỗ của các đầu mối hoặc trung gian nhập khẩu xăng dầu phần lớn gắn với biến động về tỉ giá, hay yếu tố để đảm bảo họ có đủ nguồn cung ngoại tệ để mua hàng trước.
Tương tự như vậy, đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu của than cũng cần có những cơ chế chính sách để họ tiếp cận được nguồn vốn hoặc ứng trước để đảm bảo kế hoạch kinh doanh.
Thứ ba, về chi phí, TKV phải tự xem xét và rà soát lại những nội dung nào cần phải cắt giảm, đặc biệt với các dự án đầu tư thực sự thấy có hiệu quả không? Có đảm bảo cân đối được với dự toán ban đầu hay không?
TKV cần mạnh dạn cắt bỏ những dự án không đảm bảo phương án kinh doanh như ban đầu khi những yếu tố đầu vào đã biến đổi. Trên cơ sở cắt giảm những hạng mục đầu tư không cần thiết hoặc kém hiệu quả thì đây cũng là một yếu tố để TKV gỡ bỏ đi những cấu phần mang đến các khoản chi phí lớn, tạo lỗ cho doanh nghiệp.
Thứ tư, về lâu dài, cần tăng tự lập, tự chủ, tăng hiệu quả kinh doanh dựa trên yếu tố thị trường và tự do cạnh tranh, khi đó mới tạo ra sức kháng cự một cách bền vững của các DNNN nói chung, TKV nói riêng.
Thời gian qua, trong lĩnh vực năng lượng chúng ta có quá nhiều ràng buộc và chi phối nên khiến cho các doanh nghiệp không có được sự tự chủ cần thiết để kinh doanh một cách đúng nghĩa trên thương trường. Nhất là thương trường của chúng ta hiện nay không chỉ có riêng Việt Nam mà đang rất mở từ sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, cũng như những tác động từ các yếu tố bên ngoài trực tiếp và nhanh nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh và chi phí đầu vào của các doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Việt Anh (thực hiện)