Yêu cầu của cuộc thi là nội dung nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh bảo đảm thiết thực, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông.
Việc tổ chức cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, kỹ thuật bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công khai, minh bạch, phù hợp với năng lực, sở trường, hứng thú và tự nguyện tham gia của học sinh. Việc tổ chức Cuộc thi bảo đảm thiết thực, hiệu quả, trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Nội dung và hình thức thi
Nội dung thi là kết quả thực hiện dự án nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh thuộc các lĩnh vực gồm: Hóa Sinh, Y sinh và Khoa học sức khỏe, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Khoa học trái đất và môi trường, Toán học, Vật lý và thiên văn…
Dự án dự thi có thể do 1 học sinh thực hiện (gọi là dự án cá nhân) hoặc do 2 học sinh thuộc cùng một cơ sở giáo dục thực hiện (gọi là dự án tập thể).
Dự án dự thi phải bảo đảm tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không gian lận, sao chép trái phép, giả mạo; không sử dụng hoặc trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là kết quả nghiên cứu của mình.
Thời gian nghiên cứu của dự án dự thi không quá 12 tháng liên tục và trong khoảng từ tháng Một năm liền kề trước năm tổ chức Cuộc thi đến trước ngày khai mạc Cuộc thi 30 ngày.
Dự án nghiên cứu về các mầm bệnh, hóa chất độc hại hoặc các chất gây ảnh hưởng xấu đến môi trường không được tham gia Cuộc thi.
Cuộc thi được tổ chức mỗi năm/lần
Thời gian, địa điểm tổ chức Cuộc thi hằng năm được thông báo tại văn bản hướng dẫn tổ chức Cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kinh phí tổ chức Cuộc thi từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, bao gồm kinh phí tổ chức Cuộc thi tại đơn vị đăng cai do đơn vị đăng cai chi trả và kinh phí tổ chức thẩm định dự án dự thi, chấm thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo chi trả. Nội dung và mức chi cho các hoạt động của Cuộc thi thực hiện theo quy định hiện hành. Trường hợp có mức chi đặc thù ngoài các quy định chung của Bộ Tài chính, các đơn vị chi trả trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Xếp giải của Cuộc thi
Các giải của Cuộc thi được xếp theo lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực dựa trên điểm đánh giá các dự án dự thi, không phân biệt dự án cá nhân hay dự án tập thể, gồm có giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Tư.
Tổng số giải của Cuộc thi không vượt quá 60% tổng số dự án dự thi. Trong đó, số giải Nhất không vượt quá 10% tổng số giải; số giải Nhì, giải Ba, giải Tư, mỗi loại giải không vượt quá 30% tổng số giải.
Về chọn dự án dự thi quốc tế: Căn cứ kết quả chấm thi chọn dự án dự thi quốc tế quy định, đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc thi lập danh sách dự án dự thi được lựa chọn cử đi dự thi quốc tế, trình Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi phê duyệt.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 27/5/2024.
TheoChinhphu.vn