Tạp chí Công Thương sẽ tổ chức Tọa đàm "Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ"
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã gây ảnh trực tiếp tới nền kinh tế đất nước, quyền lợi của người tiêu dùng và tác động tới giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, tuy vậy, thực trạng này vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các vụ việc vi phạm còn xuất hiện và phổ biến trên các kênh thương mại điện tử với tốc độ, quy mô ngày càng lớn, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.
Nhằm nhận diện rõ hơn và trao đổi kỹ lưỡng hơn về những vấn đề này, Tạp chí Công Thương tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ”. Tọa đàm nhằm trao đổi về thực trạng và giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp.
Thông qua Tọa đàm, cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp và người dân sẽ nhận biết rõ hơn về thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay; những nỗ lực trong công tác đấu tranh chống vấn nạn này của lực lượng chức năng, các doanh nghiệp và sự chung tay của người tiêu dùng.
Tọa đàm sẽ được công chiếu trên Tạp chí Công Thương điện tử; Fanpage: Tự hào hàng Việt Nam vào 9h30 sáng thứ 6 ngày 30/6/2023.
Tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời:
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Trần Hữu Linh.
Trọng tài viên - Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Luật sư Nguyễn Tiến Lập.
Đại diện Bộ phận Pháp lý (Công ty TNHH URC Việt Nam), Bùi Thị Thu Hiền.
Nội dung Tọa đàm, tập trung vào các vấn đề:
Những điểm đáng chú ý của tình hình vi phạm, làm hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gần đây và ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín của các doanh nghiệp;
Những chế tài, chính sách quản lý và các hoạt động đã được triển khai nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ và bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp;
Kinh nghiệm của doanh nghiệp trong việc chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp để tự bảo vệ thương hiệu của mình trước thực trạng hàng giả hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
Những khuyến nghị với cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, người dân để công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp và lành mạnh thị trường hiệu quả hơn…
Nguyễn Kiên