Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị Petrolimex làm tốt công tác giữ gìn thương hiệu - Hình 1

Quang cảnh buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

Sáng 25/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Tổ phó Tổ công tác Nguyễn Cao Lục làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Buổi làm việc nhằm kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Kể từ đầu năm 2017 đến nay, Tập đoàn Xăng dầu đã được Chính phủ, Thủ tướng giao 9 nhiệm vụ, đã hoàn thành 6 nhiệm vụ, còn 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành, cần giải trình làm rõ.

Cùng với đó, buổi làm việc nhằm nắm bắt tình hình thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; đánh giá tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp. Đồng thời, ghi nhận và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của Tập đoàn.  

Căn cứ yêu cầu của đoàn công tác, Petrolimex đã báo cáo 3 nội dung: Tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Các giải pháp kinh doanh 2018 và Công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, cổ phần hóa & thoái vốn tại Petrolimex.

Theo ông Phạm Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, năm 2017, tổng doanh thu của Tập đoàn là hơn 153 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.784 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 38 nghìn tỷ. Tám tháng đầu năm 2018, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 3.430 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 29 nghìn tỷ đồng.

Thời gian tới, Tập đoàn sẽ triển khai nhiều giải pháp như bám sát diễn biến giá dầu thế giới để cân đối linh hoạt nguồn từ các nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu; quản lý chặt chẽ chất lượng xăng dầu.

Về công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, đến nay, Petrolimex đã hoàn tất việc hình thành 6 Tổng công ty hoạt động hiệu quả theo mô hình công ty mẹ - công ty con, công ty cổ phần. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc PGBank và các lĩnh vực Petrolimex không cần giữ cổ phần chi phối.

Về thoái vốn nhà nước tại Công ty mẹ, ngày 4/7 vừa qua, Tập đoàn đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương để xem xét báo cáo Thủ tướng về phương án thoái vốn. Tập đoàn đề nghị cấp có thẩm quyền đồng ý nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên tới 49%, đồng thời chậm thoái vốn đến 2019-2020, thay vì 2018 như kế hoạch.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trần Ngọc Năm cho biết thêm, tỷ lệ tiêu thụ xăng sinh học của Tập đoàn bình quân 8 tháng qua đạt 47%, trong khi trung bình cả nước là 40%. Hiện năng lực phối trộn xăng E5 của Tập đoàn là 8 triệu tấn mỗi năm, trong khi toàn bộ nhu cầu xăng dầu cả nước khoảng 18 triệu tấn.

Về yêu cầu làm rõ một số vấn đề như việc “thương hiệu Petrolimex vẫn bị xâm phạm” như Tổ công tác có nêu, ông Năm cho hay, Tập đoàn đã rất nỗ lực trong công tác bảo vệ thương hiệu, hình thành hệ thống các ban chỉ đạo về công tác này và sẽ tăng cường hơn nữa nhằm giữ gìn uy tín của Petrolimex.

Tập đoàn cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến các khó khăn vướng mắc như việc di dời kho cảng B12 tại Quảng Ninh, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng E5-RON92, thuế bảo vệ môi trường với xăng sinh học và xăng dầu đạt tiêu chuẩn khí thải...

Kết luận buổi kiểm tra, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đánh giá cao những nỗ lực của Petrolimex. Bên cạnh đó, Tổ công tác đề nghị thời gian tới, trong công tác đầu tư, Tập đoàn cần bảo đảm đúng định hướng, bảo đảm phát triển bền vững, cân nhắc phân bổ nguồn lực tránh dàn trải. Thực hiện thoái vốn, cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng lực điều hành, cải cách hành chính, giảm chi phí. Thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra. Làm tốt công tác giữ gìn thương hiệu và chống gian lận thương mại.

T.Nguyên