Dự kiến, Tổng thống Putin đến thăm Mông Cổ vào ngày 2/9 để kỷ niệm 85 năm chiến thắng Khalkhin Gol (1939). 

Tất cả các quốc gia đã ký quy chế Rome "đều có nghĩa vụ hợp tác theo chương IX", theo phát ngôn viên ICC Fadi el-Abdallah nói với BBC hôm 30/8. Quy chế Rome là hiệp ước quốc tế thành lập ICC mà Mông Cổ phê chuẩn vào năm 2002.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở Moskva, Nga. Ảnh TTXVN.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin ở Moskva, Nga. Ảnh TTXVN.

Quy chế Rome cũng quy định các trường hợp miễn trừ khi việc bắt giữ theo phán quyết của ICC đó sẽ “vi phạm nghĩa vụ theo hiệp ước” với quốc gia khác hoặc vi phạm “quyền miễn trừ ngoại giao của một cá nhân hoặc tài sản của quốc gia thứ ba”.

Ukraine cũng thúc giục Mông Cổ bắt Tổng thống Nga. “Chúng tôi kêu gọi giới chức Mông Cổ thực hiện lệnh bắt giữ quốc tế mang tính ràng buộc và đưa ông Putin đến Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague (Hà Lan)”, AFP dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ukraine.

Phát biểu về tuyên bố của ICC, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moskva "không lo ngại" về lệnh của ICC và lưu ý rằng, mọi vấn đề có thể liên quan đến chuyến thăm của Tổng thống Putin đều được "giải quyết riêng" từ trước.

Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ ông Putin vào tháng 3/2023, với cáo buộc Tổng thống Nga "trục xuất bất hợp pháp người dân (trẻ em)" và "chuyển giao bất hợp pháp người dân (trẻ em) từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang Liên bang Nga". 

Moskva cũng bác bỏ những cáo buộc vô lý này, đồng thời cho rằng việc sơ tán dân thường khỏi các khu vực chiến sự không phải là tội ác. Hơn nữa, cả Nga và Ukraine đều không tham gia Quy chế Rome, nghĩa là ICC không có thẩm quyền trong vấn đề này.

Nguồn Russian.rt.com