Ảnh minh họaẢnh minh họa

Báo cáo nghiên cứu Tác động lan tỏa trong chuỗi cung ứng: Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến người lao động và các nhà máy ở châu Á và Thái Bình Dương đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng gây nên bởi đại dịch COVID-19 đối với các chuỗi cung ứng, các nhà máy và người lao động tại 10 nước sản xuất hàng dệt may lớn nhất trong khu vực bao gồm: Bangladesh, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, nhập khẩu từ các nước là khách hàng lớn của các nước xuất khẩu hàng dệt may ở châu Á đã giảm đến 70% trong nửa đầu năm 2020 do nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh, do các biện pháp phong tỏa mà chính phủ áp dụng và do gián đoạn trong nhập khẩu nguyên liệu thô phục vụ sản xuất hàng dệt may.

Tính đến tháng 9 năm 2020, gần một nửa số việc làm trong các chuỗi cung ứng dệt may đều phải phụ thuộc vào nhu cầu hàng dệt may của người tiêu dùng tại các nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất mà tại đó doanh số bán lẻ đã giảm mạnh. Năm 2019, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tuyển dụng khoảng 65 triệu công nhân dệt may, chiếm 75% tổng số công nhân dệt may trên toàn thế giới.

Phát biểu về kết quả nghiên cứu, bà Chihoko Asada Miyakawa, Giám đốc Văn phòng ILO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: “Nghiên cứu này nhấn mạnh đến tác động to lớn mà đại dịch COVID-19 gây nên đối với ngành dệt may ở mọi cấp độ. Vấn đề quan trọng là các chính phủ, người lao động, người sử dụng lao động và các bên liên quan khác trong ngành phải cùng nhau tìm cách xử lý những tình huống chưa từng có tiền lệ này và giúp tạo dựng một tương lai chú trọng hơn đến con người cho ngành dệt may”.

Mặc dù, các chính phủ trong khu vực đã chủ động ứng phó khủng hoảng, nghiên cứu chỉ ra rằng vẫn có hàng nghìn các nhà máy trong khu vực đã phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tình trạng cho công nhân nghỉ việc tạm thời và sa thải nhân công tăng mạnh; còn những nhà máy có thể hoạt động trở lại đa phần chỉ hoạt động với số lượng nhân công đã bị cắt giảm so với trước.

Ông Christian Viegelahn, chuyên gia Kinh tế Lao động của Văn phòng ILO khu vực châu Á và Thái Bình Dương, cho biết: “Trung bình, một nữ công nhân dệt may trong khu vực đã mất ít nhất 2 đến 4 tuần làm việc, và ghi nhận chỉ có ba phần năm số đồng nghiệp của mình được gọi trở lại làm việc khi nhà máy mở cửa hoạt động trở lại. Tình trạng giảm thu nhập và chậm trả lương cũng là tình trạng phổ biến của các công nhân dệt may vẫn có việc làm trong quý II năm 2020”.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng xác định đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến phụ nữ, vốn là đối tượng chiếm số đông trong lực lượng lao động trong ngành này. Điều đó làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng vốn đã hiện hữu về thu nhập, trong khối lượng công việc, phân biệt nghề nghiệp và phân chia công việc chăm sóc không được trả công.

Mặc dù ngành dệt may ở châu Á thường được nhìn nhận là ngành có mức độ thương lượng tập thể thấp ở cả cấp độ ngành và ở cấp nhà máy, nhưng nghiên cứu vẫn lưu ý rằng đối thoại xã hội dường như lại hữu ích trong việc tăng cường ứng phó khủng hoảng ở những nước đã xây dựng các cơ chế đối thoại. Báo cáo kêu gọi cần thực hiện đối thoại xã hội mang tính bao trùm và thực chất hơn ở cấp quốc gia và cấp ngành ở mọi quốc gia trong khu vực.

Các khuyến nghị khác mà báo cáo đưa ra nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như việc mở rộng diện bao phủ của an sinh xã hội tới người lao động, đặc biệt là phụ nữ. Một sáng kiến quốc tế đa bên toàn cầu mới đây có tên gọi “Kêu gọi Hành động” do ILO thúc đẩy cũng được ghi nhận là một ví dụ đầy hứa hẹn về những nỗ lực đoàn kết trong nội bộ ngành trong xử lý khủng hoảng.

 Thái Bình