Cụ thể, những sản phẩm xuất sang EU phải có vải được cung ứng từ Việt Nam, EU hoặc quốc gia đối tác của hiệp định EU là Hàn Quốc. Thế nhưng, đây cũng chính là điểm nghẽn của ngành dệt may Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo bà Mai (Giám đốc Công Ty TNHH Sản Xuất Thời Trang Thanh Hà H.A) ưu đãi từ EVFTA giúp DN giảm thuế 12%. Thế nhưng, việc nhập vải từ Trung Quốc đã giúp doanh nghiệp giảm tới 50%. Do đó, theo bà, EVFTA chỉ đủ sức hút khi công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa.

Thống kê cho thấy, hiện mới chỉ có hơn 11% doanh nghiệp dệt may Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn GSP, một bộ tiêu chuẩn gần như tương đồng với EVFTA, nghĩa là khả năng tận dụng được ưu đãi của doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn rất thấp.

Nhà máy nhuộm của Công ty Dệt lụa Nam Định mới đi vào hoạt động từ đầu năm nay, tiêu tốn hơn 200 tỷ đồng. Nếu công suất không đạt mức tối đa từ 700.000 đến 1 triệu m2 vải mỗi tháng, thì doanh nghiệp không đảm bảo trả được lãi vay ngân hàng. Đại diện doanh nghiệp ví von đầu tư vào nhuộm cũng như một canh bạc.

Công nghệ mới nhất, nhưng vẫn phải nhập máy móc đã qua sử dụng và mở rộng nhà máy theo kiểu cuốn chiếu, tất cả nhằm tối giản chi phí trong khi chờ đợi thêm vài năm nữa để gây dựng niềm tin từ đối tác mới. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt còn phải giải bài toán môi trường.

Không ít ý kiến cho rằng, với triển vọng thu hút đầu tư từ EVFTA, Chính phủ và địa phương cần phải cùng hoạch định chiến lược phát triển các khu công nghiệp dành cho khâu nhuộm hoàn tất, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo không ảnh hưởng môi trường của địa phương.

PV