Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết trong số các mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào EU thì hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế khá lớn khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU thực thi (EVFTA).
"Với EVFTA, dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước hiện đang được hưởng thuế 0% như Campuchia, Bangladesh... Tuy nhiên so với Campuchia, Bangladesh... chúng ta lại có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm", ông Hải cho biết.
Sức cạnh tranh của dệt may Việt Nam sẽ vượt Trung Quốc
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện nay Campuchia, Bangladesh, Pakistan đều có lợi thế về ưu đãi thuế nhập khẩu so với Việt Nam khi xuất khẩu vào EU. Campuchia, Bangladesh được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA (chương trình Everything but Arms - Miễn thuế tất cả các mặt hàng trừ vũ khí). Pakistan cũng được miễn thuế nhập khẩu theo chương trình GSP+.
Việt Nam mặc dù cũng được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan GSP nhưng chỉ là GSP tiêu chuẩn ở mức 9,6%. Do đó việc áp dụng các chế độ ưu đãi thuế quan kể trên giúp các quốc gia được hưởng lợi này có lợi thế cạnh tranh lớn về giá so với Việt Nam.
Theo cam kết trong EVFTA, hàng dệt may vào EU sẽ được giảm ngay về 0% khoảng 42,5% số dòng thuế, còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5-7 năm.
Trong đó, các mặt hàng có mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực tập trung vào nguyên liệu và sản phẩm may mặc như đồ lót, áo choàng tắm, quần áo ngủ, quần áo mặc trong nhà, đồ bơi, khăn tay, khăn choàng, găng tay, quần tất, quần áo trẻ em, áo blouse...
Đáng chú ý, sau khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam đang được hưởng Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP sẽ tiếp tục được hưởng hết 2 năm sau khi EVFTA có hiệu lực. Do vậy trong thời gian này, doanh nghiệp có thể lựa chọn chương trình nào có mức thuế ưu đãi hơn để áp dụng.
PV