Tối 12/5, Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) có thêm một trường hợp xét nghiệm sơ bộ xác định nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Bệnh nhân là nữ, 66 tuổi, không có lịch sử đi du lịch nước ngoài, không tiếp xúc với người mắc Covid-19. Trước đó, bệnh nhân bị sốt nhiều ngày, ho nhẹ, lượng virus khá cao, hiện đang được đưa đi cách ly tại bệnh viện Princess Margaret ở Kwaichung, đang đợi kết quả xét nghiệm lại. Hai người nhà của bệnh nhân này cũng có triệu chứng nhiễm bệnh.
Các chuyên gia y tế cho biết bệnh nhân này thuộc ca bệnh không rõ nguồn lây, phản ánh Hong Kong có chuỗi lây nhiễm thầm lặng, nếu 28 ngày liên tiếp Hong Kong không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng thì mới có thể khẳng định dịch bệnh đã được kiểm soát.
Hết ngày 12/5, Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 61.300 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và trên 1.950 người tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực vẫn chỉ có hai nước Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì bệnh dịch, trong đó số người thiệt mạng tại Indonesia đã vượt quá 1.000 ca.
Theo Chính phủ Singapore, mặc dù số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Singapore vẫn tăng do có sự lây lan giữa những lao động nước ngoài sống tại các khu chung cư đông đúc, song tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng đã giảm. Do đó, chính phủ quốc gia Đông Nam Á này lên kế hoạch mở lại nền kinh tế theo từng giai đoạn.Thế giới 4.335.788 người mắc bệnh, dịch diễn biến phức tạp tại Mỹ, Anh và Brazil
Giới chức Singapore cũng khuyến cáo người dân nước này không nên ồ ạt ra đường không có lý do để giữ an toàn cho đất nước. Theo Bộ Y tế Singapore, ngày 12/5, nước này ghi nhận thêm 884 trường hợp mắc COVID-19, đưa số ca mắc bệnh ở đảo quốc này lên 24.671 người, trong đó có 21 người tử vong, Khoảng 90% số người mắc COVID-19 tại Singapore liên quan đến các khu tập thể dành cho người lao động nước ngoài.
Cũng trong ngày 12/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 từ ngày 16/5 tới. Một số công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ở thủ đô Manila sẽ được phép mở cửa trở lại với 50% công suất. Bên cạnh đó, Tổng thống Duterte cũng khuyến cáo người dân khi quay lại làm việc phải tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn. Theo ông, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế không có nghĩa dịch COVID-19 đã được đẩy lui và quốc gia Đông Nam Á này không thể chống đỡ làn sóng thứ 2 của dịch bệnh.
Trong một diễn biến mới nhất, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov xác nhận ông đã nhiễm SARS-CoV-2 và phải nhập viện để điều trị.
Theo công bố báo cáo tình hình dịch Covid-19 của nước này, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 10.899 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 107 ca tử vong.
Với mức tăng này, tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 ở Nga là 232.243 người. Qua đó, Nga trở thành quốc gia có số bệnh nhân Covid-19 vượt Anh và đứng thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Tây Ban Nha.
Nhằm nhanh chóng phát hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2, Nga mở rộng chương trình xét nghiệm và đến nay nước này đã tiến hành hơn 5,8 triệu xét nghiệm.
Ủy ban đối sách phòng dịch trung ương thuộc Cơ quan Quản lý và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 12/5 đã công bố bản hướng dẫn (sửa đổi) cách thức đối phó với đại dịch Covid-19 và chính thức có hiệu lực từ ngày 11/5.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc sẽ mở rộng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại các viện dưỡng lão và bệnh viện tâm thần trên toàn quốc, đồng thời áp dụng việc xét nghiệm đối với tất cả các bệnh nhân mới nhập viện. Tính đến chiều 12/5, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 liên quan đến ổ lây nhiễm tập thể Itaewon đã tăng lên thành 102 người trong đó có 64 người là công dân thủ đô Seoul.
Brazil đã công bố thêm 5.632 trường hợp nhiễm mới và 396 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại nước này lên lần lượt là 168.331 và 11.519. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố phòng tập thể dục và tiệm làm tóc là các dịch vụ thiết yếu có thể mở cửa trở lại.
Mexico xác nhận 1.305 trường hợp nhiễm mới và 108 ca tử vong mới, trong khi số ca mắc COVID-19 tại Chile đã vượt ngưỡng 30.000 ca.
Panama công bố kế hoạch bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế trong tuần này, bao gồm thương mại điện tử, xưởng cơ khí và nghề đánh cá.
Trung Đông và châu Phi
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã thông qua yêu cầu của Ai Cập về khoản tài trợ khẩn cấp 2,77 tỷ USD.
Sénégal tuyên bố mở lại các nhà thờ Hồi giáo và nhà thờ và nới lỏng các hạn chế khác, mặc dù số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh trong ngày 11/5.
Ngân hàng phát triển quốc gia KfW của Đức ngày 12/5 cho biết sản lượng kinh tế nước này có thể giảm khoảng 20-25% trong vài tuần do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời hoạt động kinh tế có thể đạt mức thấp nhất trong tháng Tư nếu tránh được đợt dịch thứ hai.
KfW dự kiến nền kinh tế Đức giảm 6% trong năm 2020 trước khi tăng 5% vào năm 2021. Các dự báo này tương tự dự báo của Chính phủ Đức vào cuối tháng Tư là giảm 6,3% năm 2020 và tăng 5,2% năm 2021.
Nền kinh tế Pháp được dự báo chỉ tăng 0,1% trong quý 1 năm nay. Với việc toàn bộ tháng Tư phải đóng cửa để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, hoạt động kinh tế xuống mức đặc biệt thấp. Công suất công nghiệp sử dụng giảm từ 77% hồi tháng Hai xuống 56% hồi tháng Ba và 46% vào tháng Tư, "mức thấp nhất từng ghi nhận."
Pháp bị tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19 tuy nhiên chính phủ nước này đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa từ ngày 11/5 nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế.
Thông báo của bang New York cho biết, các trẻ bị nhập viện bị sốt và có các triệu chứng giống với hội chứng sốc do nhiễm độc và Kawasaki, một loại bệnh bất thường được đặc trưng bởi sự viêm các mạch máu trong toàn bộ cơ thể.
3 trẻ em đã tử vong do căn bệnh lạ này ở New York. 29% số trẻ mắc căn bệnh này ở độ tuổi từ 5 tới 9 và 28% ở độ tuổi từ 10 tới 14. Các triệu chứng của bệnh này cũng được phát hiện tại bang Washington và California cũng như ở Anh, Italy và Tây Ban Nha.
Mỹ tiếp tục là ổ dịch nghiêm trọng nhất thế giới. Trong vòng 1 ngày qua, "xứ sở cờ hoa" ghi nhận 1.507 ca tử vong và 21.529 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số trường hợp thiệt mạng và mắc bệnh COVID-19 tại nước này lên lần lượt 83.302 và 1.407.363 ca.
Tại Pháp, tính đến sáng 13/5 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong do mắc bệnh COVID-19 là 26.991 người, tăng 348 ca trong 24 giờ qua. Hiện Pháp còn 21.595 bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện (giảm 689 ca so với hôm trước), trong đó 2.542 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 170 ca). Bên cạnh đó, 57.785 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 12/5 công bố nước này ghi nhận 1.402 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 221.216 trường hợp.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại Italy tăng lên 30.911 trường hợp (tăng 172 ca) và số ca hồi phục là 109.039 (tăng 2.452 ca).
Tây Ban Nha thông báo sẽ hạn chế số người đến từ các nước Schengen (Khu vực đi lại tự do trong Liên minh châu Âu), đồng thời áp đặt cách ly 14 ngày đối với tất cả những người đến nước này nhằm tránh khả năng lây nhiễm mới virus SARS-CoV-2 từ những người nhập cảnh.
Trang Nguyễn