Bản tin lúc 6h ngày 16/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Việt Nam Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19. Đây là hành khách về nước từ Nga, đã cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 314 ca bệnh. Hôm nay, Việt Nam cũng bước sang thứ 30 không có ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 14/5, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định cần phải đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tại Cát Lâm và Vũ Hán.

Thành phố Thẩm Dương ở phía bắc Trung Quốc cách ly 7.500 người sau khi phát hiện 3 ca mắc COVID-19 trong 5 ngày qua.

Thẩm Dương báo cáo ca nhiễm "nội địa" mới đầu tiên sau 89 ngày vào 11/5 và 2 ca nhiễm "nội địa" mới vào 14/5. Giới chức thành phố 7,5 triệu dân hôm 14/5 xác nhận các ca nhiễm mới có liên quan tới một cụm dịch ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm.

7.500 người bị cách ly là những người trở về từ Cát Lâm từ ngày 22/4 và các trường hợp tiếp xúc với 3 trường hợp nhiễm mới. Họ được yêu cầu cách ly 21 ngày và thực hiện 3 xét nghiệm axit nucleic.

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu phi, ông Matshidiso Moeti cảnh báo về tác động tiềm tàng của đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đối với sinh kế và kinh tế hộ gia đình, làm trầm trọng thêm nạn đói và suy dinh dưỡng ở châu lục này.

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 14/5, Tiến sĩ Matshidiso Moeti ước tính khoảng 200 triệu người châu Phi bị thiếu dinh dưỡng và tăng trưởng ở 30% trẻ em dưới 5 tuổi (khoảng 59 triệu trẻ em) bị ảnh hưởng do suy dinh dưỡng, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 21,9% của thế giới. Theo ông, châu Phi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới.

Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang nóngTình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang nóng

WHO khuyến cáo việc nới lỏng phong tỏa cần dựa trên các căn cứ khoa học và dữ liệu thực tế. Trong trường hợp phải tiếp tục áp dụng tình trạng phong tỏa, các chính phủ cần xem xét thực thi những biện pháp kèm theo để giảm bớt nạn đói có thể phát sinh.

Hội chứng được biết đến với tên gọi Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (PIMS) có triệu chứng giống với sốc do trúng độc và bệnh Kawasaki (viêm mạch máu hệ thống cấp tính), bao gồm sốt, phát ban, sưng hạch và viêm cơ tim trong một số ca nặng.

Ngày 15/5, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus Ghebreyesus tuyên bố, các nhà khoa học và nghiên cứu đang nỗ lực nhanh chóng nhằm tìm ra giải pháp cho đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song dịch bệnh chỉ có thể bị đánh bại khi vắcxin và thuốc chữa bệnh được phân phối một cách công bằng.

Phát biểu họp báo tại Geneva, Tổng giám đốc WHO khẳng định: "Các mô hình thị trường truyền thống sẽ không đáp ứng được ở quy mô cần thiết để bao trùm được toàn cầu".

Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với 1.481.887 ca nhiễm (tăng 24.294 ca trong 24 giờ qua) và 88.400 ca tử vong (tăng 1.488 ca). Tiếp đến là Tây Ban Nha với 274.367 ca nhiễm và 27.459 ca tử vong, Nga (262.843 ca nhiễm và 2.418 ca tử vong), Anh (236.711 ca nhiễm và 33.998 ca tử vong) và Italy (223.096 ca nhiễm và 31.368 ca tử vong).

Các biện pháp phong tỏa ở thành phố New York của Mỹ sẽ được gia hạn đến ngày 13/6 theo sắc lệnh hành pháp do Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, vừa ký ban hành. Tuy nhiên, sắc lệnh cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế di chuyển đồng thời "bật đèn xanh" cho các doanh nghiệp dần mở cửa trở lại. Thành phố New York hiện là tâm điểm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ với hơn 20.000 trường hợp tử vong. Lệnh phong tỏa do COVID-19 áp dụng trên toàn nước Mỹ dự kiến hết hiệu lực vào ngày 15/5 (giờ Mỹ, tức ngày 16/5 theo giờ Việt Nam).

Hiện Thống đốc Cuomo đang tập trung xây dựng lộ trình để từng bước vực dậy nền kinh tế tiểu bang đang rơi vào tình trạng gần như tê liệt.

Mexico ghi nhận 2.409 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lên 42.595, và 257 ca tử vong trong tổng số 4.477 trường hợp. Chile cũng có thêm 2.502 ca mắc bệnh trong ngày, tổng số ca là 39.542, trong đó có 394 ca tử vong.

Ngày 15/5, Đức thông báo sẽ nới lỏng các quy định cách ly đối với những người đến từ Liên minh     châu Âu (EU), khu vực Schengen và Anh. Theo Bộ Nội vụ Đức, lực lượng chức năng sẽ chỉ khuyến cáo những người đến từ các nước có số ca mắc COVID-19 cao đi cách ly. Trong khi đó, yêu cầu cách ly bắt buộc 2 tuần vẫn áp dụng đối với những người đến từ các nước không thuộc EU.

Trong ngày 15/5, Italy ghi nhận 789 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 223.885 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong đã là 31.610 trường hợp (tăng 242 ca). Các quy định nới lỏng việc tự do đi lại giữa các vùng của người dân Italy đã được đệ trình lên Thủ tướng nước này. Theo đó, người dân Italy có thể được tự do đi lại trên toàn lãnh thổ Italy kể từ ngày 3/6. Kể từ ngày 18/5, các cửa hàng, viện bảo tàng, trung tâm thương mại, quán bar, nhà hàng, cửa hiệu cắt tóc, làm đẹp được phép hoạt động trở lại.

Anh hiện là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới sau Mỹ, với 33.998 người. Trong khi đó, số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đang là 236.711 người.

Tính đến tối 15/5 (giờ địa phương), số ca tử vong do COVID-19 tại Pháp là 27.529 người (tăng 104 ca trong 24 giờ qua), bao gồm 17.342 ca trong bệnh viện và 10.187 ca tại viện dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội khác. Hiện 19.861 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 602 ca so với hôm trước), trong đó 2.203 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 96 ca). Bên cạnh đó, 60.448 người đã khỏi bệnh và ra viện. 

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 15/5 ho biết toàn bộ cư dân và nhân viên tại các nhà dưỡng lão ở nước này sẽ được xét nghiệm từ nay đến đầu tháng 6. Cơ quan Thống kê quốc gia (ONS) của Anh cho biết, trong hai tháng vừa qua, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở vùng England và Wales đã ghi nhận 12.526 trường hợp tử vong do mắc COVID-19. Trong số này có gần 75% tử vong tại nhà dưỡng lão, số còn lại tử vong tại bệnh viện. Tuy nhiên, ONS cho rằng số ca tử vong tại các nhà dưỡng lão có thể còn cao hơn nhiều so với số liệu thống kê.

Ngày 15/5, Iran thông báo nước này ghi nhận 2.102 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm theo ngày cao nhất tại nước này kể từ tháng Tư đến nay. Như vậy, tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này là 116.635 ca, trong khi số ca tử vong là 6.902 ca. Cho đến nay, Khuzestan là tỉnh duy nhất tại Iran bị tái áp đặt các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt như đóng cửa các cửa hàng kinh doanh sau khi Iran bắt đầu nới lỏng các biện pháp trên toàn quốc hồi tháng trước.  

Ngày 15/5, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ Australia đã thực hiện thành công giai đoạn một của quá trình nới lỏng các hạn chế xã hội và kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 ở nước này. Tuyên bố của ông Morrison được đưa ra chỉ một tuần sau khi Nội các quốc gia đồng ý về lộ trình ba giai đoạn cho việc dỡ bỏ các hạn chế.

Nhật Bản thông báo sẽ mở cửa biên giới theo các giai đoạn sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát. Các doanh nhân sẽ là những người đầu tiên được phép nhập cảnh sau khi nước này mở cửa biên giới. Nhật Bản sẽ dỡ bỏ các hạn chế du lịch với một số nước theo nhóm nước thay vì riêng lẻ.

Trong khi đó, tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Philippines thông báo, ngày 15/5 Philippines đã ghi nhận 215 ca mắc COVID-19 và 16 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lần lượt lên thành 12.091 và 806 người. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 123 bệnh nhân COVID-19 bình phục, nâng tổng số người bình phục lên 2.460.

Cùng ngày, tại Singapore, Bộ Y tế nước này xác nhận phát hiện thêm 753 ca nhiễm mới nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 26.891 ca. Malaysia cũng thông báo ghi nhận thêm 36 ca nhiễm mới và không có ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.

Trang Nguyễn