Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 119.276 trường hợp mắc COVID-19 và 3.227 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh vượt ngưỡng 8 triệu người. Nguy cơ làn sóng dịch thứ hai đang hiện rõ khi virus lây lan trở lại ở một số nước đã kiểm soát thành công dịch.

Các nước trên thế giới cũng ghi nhận 4.186.916 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện ở mức 54.555 và 3.477.442 ca đang điều trị tích cực.

Trong khi Mỹ và các quốc gia châu Âu ghi nhận một số tín hiệu tích cực thì nhiều quốc gia khác lại nhận thấy lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ hai ngày càng có cơ sở khi số ca mắc mới sau thời gian nới lỏng phong tỏa tăng trở lại.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Indonesia công bố ngày 15/6, trong 24h giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.017 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 64 ca tử vong. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ đại dịch bùng phát. Bộ Y tế Indonesia cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã lên tới con số lần lượt là 39.294 ca và 2.198 ca.

Tại Philippines, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này đã lên tới 26.420 ca sau khi ghi nhận 490 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 15/6. Số người tử vong trong ngày là 10 người, nâng tổng số bệnh nhân không qua được tại nước này lên tới 1.098 ca.

Cùng ngày, Thái Lan không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 nào, đánh dấu ngày thứ 21 không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Tới nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.135 ca mắc bệnh, trong đó có 58 trường hợp tử vong. Đây cũng là ngày đánh dấu Thái Lan bước vào giai đoạn 4 nới lỏng phong tỏa cùng với việc lệnh giới nghiêm ban đêm được dỡ bỏ và nhiều hoạt động trong danh mục nguy cơ cao nhất được nối lại, mặc dù Sắc lệnh Về tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực.

Bắt đầu từ ngày 19/6 tới, Singapore sẽ bước vào giai đoạn hai của quá trình mở cửa nền kinh tế sau hơn 2 tuần thực hiện mở cửa giai đoạn 1 từ ngày 2/6. Trong giai đoạn 2 này, hầu hết các hoạt động xã hội và kinh doanh sẽ được nối lại như kinh doanh bán lẻ, cửa hàng ăn uống, các cuộc tập trung ngoài xã hội theo nhóm nhỏ từ 5 người trở xuống; các  dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm thể dục thể thao sẽ được mở cửa trở lại; học sinh tất cả các cấp học sẽ đến trường hằng ngày… Tuy nhiên, một số hoạt động có số lượng lớn người tham gia như các dịch vụ tôn giáo, các địa điểm văn hóa lớn như thư viện và bảo tàng, các sự kiện quy mô lớn như hội nghị, triển lãm, hội trợ và các địa điểm giải trí như quán bar, rạp chiếu phim và câu lạc bộ đêm… vẫn bị đóng cửa.

Đến thời điểm này, ViệtNam có tổng cộng số ca mắc Covid-19 là 334, trong đó đã có 323 ca đã được điều trị khỏi. Hiện chỉ còn 11 ca đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 16/6: 61 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Có 36 ca nhiễm mới ngày 15/6, đưa tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 12.121, với 277 ca tử vong. Ngày 12/6 vừa qua, giới chức y tế Hàn Quốc đã gia hạn các biện pháp phòng ngừa để phòng COVID-19 cho đến khi số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống 1 con số.

Hôm qua (15/6), Bắc Kinh ghi nhận thêm 36 ca COVID-19, nâng tổng số lên 79 kể từ 12/6 - ngày xuất hiện ca nhiễm nội địa đầu tiên sau gần 2 tháng vắng bóng, báo Trung Quốc People’s Daily dẫn thông báo của Ủy ban Y tế quốc gia nước này. Các ca nhiễm mới này liên quan chợ Tân Phát Địa ở tây nam Bắc Kinh, nơi cung cấp hầu hết lượng rau quả tươi cho thành phố. Chợ này cũng bán thịt và hải sản. Chợ Tân Phát Địa đã bị đóng cửa từ hôm 13/6. Dịch bệnh đã lây sang tỉnh Liêu Ninh và tỉnh Hà Bắc, nơi vừa ghi nhận tổng cộng 5 người mắc và những người này có tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19 ở Bắc Kinh.

Chính quyền Bắc Kinh thông báo đã tiến hành xét nghiệm nucleic acid cho 76.499 người, trong đó 59 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng số ca lây nhiễm cộng đồng tại thành phố này hiện là 499 ca.

Anh ghi nhận số ca tử vong trong ngày thấp nhất: Chính phủ Anh thông báo ghi nhận thêm 36 ca tử vong, số ca tử vong trong ngày thấp nhất ở Anh kể từ ngày 21/3 vừa qua, 2 ngày trước khi nước này thực hiện các biện pháp hạn chế hoạt động để phòng dịch. Tới nay, Anh ghi nhận tổng cộng 296.857 ca mắc bệnh, trong đó có 41.736 ca tử vong.

Ngày 15/6, nước Anh bắt đầu giai đoạn mới nới lỏng các biện pháp hạn chế hoạt động, theo đó cho phép mở lại tất cả các cửa hàng bán lẻ được cho là không thiết yếu như các cửa hàng bán quần áo, đồ điện tử, hiệu sách, cũng như các vườn thú, công viên, rạp chiếu phim. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh được phép mở cửa trở lại phải đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Italy, Đức, Hà LanPháp góp tiền mua 300 triệu liều vaccine: Italy, Đức, Hà Lan và Pháp sẽ đóng góp 750 triệu euro (843,1 triệu USD) cho kế hoạch thu mua 300 triệu liều vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 của tập đoàn dược phẩm AstraZeneca cho các nước thành viên EU như một phần trong thỏa thuận của EU nhằm đảm bảo việc cung ứng mặt hàng dược phẩm này cho các nước thành viên. Theo đó, toàn bộ các nước thành viên EU sẽ có vaccine phòng COVID-19 ngay khi loại vaccine này sẵn sàng.

Trong vòng 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 8.246 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số ca bệnh lên 537.210 người, với 7.091 ca tử vong, tăng 143 người.

Italy đã ghi nhận gần 4.000 ca mắc/1 triệu dân cư, trong khi tỷ lệ này của Slovenia là trên 700 ca. Với dân số vào khoảng 2 triệu người, Slovenia đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 dưới 1.500 ca và có 109 ca tử vong, trong khi đã có hơn 34.000 người tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này tại Italy. Hiện Slovenia cho phép tự do đi lại tới 19 nước châu Âu, mặc dù các biện pháp kiểm soát vẫn còn áp đặt đối với những người đi từ Anh và Thụy Điển.

Từ ngày 15/6 Đức đã dỡ bỏ cảnh báo đi lại với 27 quốc gia châu Âu, nhưng trong danh sách này không bao gồm Tây Ban Nha, và chỉ có một ngoại lệ tới hòn đảo Mallorca của nước này,

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Peter Altmaier tuyên bố Đức sẽ chi 300 triệu eoro để mua 23% cổ phần của công ty công nghệ sinh học CureVac, trong bối cảnh một số nguồn tin cho thấy Mỹ đang để mắt tới công ty này. CureVac là một trong nhiều công ty trên thế giới đang chạy đua phát triển vaccine phòng COVID-19.

Trong khi đó, Mexico được cho là đang trong giai đoạn đỉnh dịch COVID-19 với 146.837 ca mắc bệnh (tăng 4.147 ca trong 24 giờ qua), trong đó có 17.141 ca tử vong. Bộ Y tế nước này dự báo số ca tử vong có thể lên đến 35.000 người đồng thời nhận định làn sóng dịch thứ nhất sẽ kéo dài tới tháng 10 và dự kiến làn sóng dịch thứ 2 diễn ra vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới.

Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 403 ca tử vong vì COVID-19 và 19.614 ca nhiễm virus, nâng tổng số bệnh nhân lên 2.181.842 người, trong đó có 118.267 ca tử vong và 879.981 bệnh nhân đã hồi phục. Thời gian gần đây số ca tử vong do COVID-19 Mỹ đã giảm đáng kể, tuy nhiên số ca nhiễm virus mới vẫn liên tục ở mức 5 con số, làm dấy lên lo ngại về làn sóng bùng phát dịch thứ 2 khi các bang chuẩn bị mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Trang Nguyễn