Ngày 18/6, Bộ trưởng Y tế CH Czech Adam Vojtech cho biết từ ngày 1/7, nước này sẽ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc (ngoại trừ ở một số điểm nóng dịch bệnh), được ban hành ngày 19/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Phát biểu với các phóng viên, ông Vojtech nêu rõ: "Quy định đeo khẩu trang sẽ được bãi bỏ vào ngày 1/7/2020, trừ những ngoại lệ ở các khu vực có tình hình dịch bệnh vẫn đang xấu đi".
Nga trong 24 giờ qua có 7.790 ca nhiễm mới, mức tăng trong ngày thấp nhất trong 6 tuần qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 561.091 ca.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại một số nước Trung Đông. Bộ Y tế Iran thông báo đã xác nhận thêm 2.612 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 195.051 ca. Số ca tử vong tại Iran tăng thêm 120 ca lên 9.185 ca.
Bộ Y tế Qatar thông báo đã ghi nhận thêm 1.097 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 83.174 ca. Số ca tử vong tại Qatar tăng thêm 2 người lên 82 ca. Trong khi đó, thêm 1.711 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện, nâng tổng số ca bình phục tại Qatar lên 62.172 người.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng ngày cho biết thêm 2 ca tử vong và 382 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 43.364 ca, với 295 ca tử vong. Đã có thêm 676 bệnh nhân được ra viện sau khi bình phục, nâng tổng số ca bình phục lên 29.537 ca.
Dịch bệnh tràn lan trên thế giới
Bộ Thương mại và Công nghiệp Ai Cập cho biết nước này sẽ gia hạn thêm 3 tháng đối với lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang và các vật tư y tế phòng chống lây nhiễm dịch bệnh. Đây là một biện pháp nhằm tránh tình trạng thiếu hụt vật tư y tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát ở nước này.
Tổng số ca mắc Covid-19 ở Ai Cập hiện là 49.219 người, trong đó số trường hợp tử vong là 1.850 người sau khi ghi nhận thêm 84 ca tử vong.
Sudan hiện ghi nhận 7.740 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 477 người đã tử vong và 2.820 người được điều trị bình phục.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã phát động sáng kiến “bình thường mới” của Chính phủ bằng cách mời gọi người dân từ tất cả các khu vực xã hội vạch ra tương lai của quốc gia Đông Nam Á này sau cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19.
Trong bài phát biểu trên truyền hình về kế hoạch của Chính phủ đối với đất nước trong kỷ nguyên hậu Covid-19, Thủ tướng Prayut tuyên bố sự quản lý của Chính phủ trước cuộc khủng hoảng y tế công cộng do Covid-19 đã thành công, đồng thời công bố chi tiết về 3 cách làm việc "bình thường mới".
Tính tới 6h sáng 19/6, Việt Nam bước sang ngày thứ 64 liên tiếp không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, số người nhiễm virus corona tại nước ta hiện đang là 342.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tổng số người tiếp xúc gần với các ca COVID-19 và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) tại Việt Nam là 6.176.
Trong đó, số người cách ly tập trung tại bệnh viện là 89; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 5.734; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 353. Việt Nam có tổng cộng 202 ca nhiễm COVID-19 được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Philippines ghi nhận 8 ca tử vong vì COVID-19 và 561 ca dương tính trong ngày 18/6, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh và tử vong vì virus SARS-CoV-2 tại nước này lên lần lượt 27.799 và 1.116 trường hợp.
Philippines hiện đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á về số nạn nhân tử vong vì COVID-19, và đứng thứ ba khu vực về tổng số ca mắc bệnh.
Brazil với 1.083 ca tử vong là quốc gia có nhiều bệnh nhân thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 nhất thế giới được ghi nhận trong riêng 24 giờ qua.
Tính tới sáng 19/6 theo giờ Việt Nam, Brazil có tổng cộng 978.142 ca mắc COVID-19 và 47.748, nhiều thứ hai thế giới sau Mỹ.
Trên bình diện khu vực, Nam Mỹ tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Peru và Chile... Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới.
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong tổng số 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch COVID-19. Tới sáng 19/6, Mỹ ghi nhận tổng cộng 2.259.952 ca mắc bệnh và 120.543 trường hợp tử vong.
Dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/6 khẳng định Mỹ sẽ không đóng cửa các doanh nghiệp một lần nữa sau khi một số bang ở nước này ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng.
Trong khi đó, từ ngày 27/6 tới, Đan Mạch sẽ cho phép công dân từ các nước châu Âu có số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức thấp nhập cảnh nước này.
Trong thông báo ngày 18/6, Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết nước này sẽ tiến hành đánh giá 22 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và những nước không phải thành viên EU trong Khu vực tự do đi lại Schengen như Na Uy cùng Vương quốc Anh căn cứ theo các tiêu chí khách quan.
Theo bộ trên, một nước sẽ được phân loại là có mức độ lây nhiễm thấp khi có dưới 20 người mắc bệnh/100.000 dân/tuần. Hiện Đan Mạch đã mở cửa biên giới cho du khách đến từ Iceland, Đức và Na Uy. Các du khách sẽ chỉ được phép vào nước này với điều kiện họ phải có thời gian lưu trú ít nhất 6 đêm.
Tại Đức, phát ngôn viên của quận Gütersloh tại bang Nordrhein-Westfalen thông báo, các trường học và nhà trẻ của địa phương này sẽ phải đóng cửa để làm chậm đà lây lan của vi rút SARS-Cov-2 sau khi một ổ dịch được phát hiện tại một hãng thịt trong vùng này.
Tại phía Bắc của Hy Lạp, làng Echinos tại Xanthi cũng bị cách ly nghiêm ngặt trong 7 ngày nhằm tránh sự lây lan của COVID-19. 73 ca nhiễm mới và 4 trường hợp tử vong đã được thống kê tại làng này trong những ngày qua. Nguy cơ bùng phát dịch trở lại đang là mối lo ngại đối với chính phủ Hy Lạp khi mà chỉ còn vài ngày nữa là tới mùa du lịch.
Bulgaria cũng đã ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng kỷ lục trong ngày 17/06, với 112 ca nhiễm mới, theo đó tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này là 3.453 ca.
Trang Nguyễn