Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19. Nga xếp thứ hai sau Mỹ về số ca nhiễm nhưng số ca tử vong của nước này vẫn thấp hơn so với nhiều nước. Brazil đứng thứ ba về số ca nhiễm.
Có 6 nước ghi nhận trên 200.000 bệnh nhân COVID-19, lần lượt là Mỹ, Nga, Brazil, Tây Ban Nha, Anh, Italy.
Về số ca tử vong, Mỹ tiếp tục có nhiều ca tử vong nhất. Tiếp đó là Anh và Italy. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 1.210 ca tử vong, cao nhất thế giới.
Ngày 20/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về số lượng ca COVID-19 gia tăng tại các nước nghèo, trong bối cảnh nhiều nước giàu đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa. Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom nhấn mạnh rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong đợt đại dịch này, đồng thời bày tỏ rất quan ngại về sự gia tăng số ca nhiễm ở những nước có thu nhập thấp và trung bình.
Cả thế giới hơn 5 triệu ca nhiễm
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 20/5 tuyên bố từ ngày 1/6, nước Anh sẽ có khả năng theo dõi tiếp xúc của 10.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tiến hành trên 200.000 xét nghiệm mỗi ngày.
Phản ứng trước các chỉ trích của phe đối lập trong phiên điều trần tại Nghị viện Anh chiều ngày 20/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố chính phủ của ông đang đi đúng hướng và từ ngày 1/6 tới, nước Anh sẽ chính thức đưa vào hoạt động chương trình truy dấu ca nhiễm và xét nghiệm trên diện rộng.
Trong ngày 20/05, nước Anh có thêm 363 bệnh nhân thiệt mạng vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch tại nước này lên 35.704 ca và gần 250.000 người nhiễm bệnh.
Chính phủ Anh hiện đang lên kế hoạch mở lại các trường học từ ngày 1/6 và nối lại các hoạt động du lịch trong tháng 7.
Chính phủ Tây Ban Nha đang tìm cách thuyết phục Quốc hội nước này kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm 2 tuần, tức đến ngày 7/6 sau khi lệnh khẩn cấp hiện tại sẽ hết hạn ngày 23/5.
Người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha, bà Maria Montero cho rằng tình trạng khẩn cấp quốc gia cần được kéo dài để đảm bảo thực thi các quy định về hạn chế di chuyển, cũng như bảo vệ thành quả phòng chống dịch COVID-19 mà nước này đạt được trong thời gian qua. Theo kế hoạch, Quốc hội Tây Ban Nha sẽ bỏ phiếu về đề xuất này trong ngày 20/5. Trước đó, Thủ tướng Pedro Sanchez đề xuất gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm một tháng.
Ngày 14/3, Tây Ban Nha ban bố tình trạng khẩn cấp, theo đó áp dụng một loạt biện pháp ngặt nghèo hạn chế tự do đi lại và hoạt động kinh doanh trên cả nước để phòng chống virus SARS-CoV-2 lây lan. Từ đó đến nay, quốc gia châu Âu này đã 4 lần gia hạn tình trạng khẩn cấp.
Tây Ban Nha là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 27.888 ca tử vong trong 279.524 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Hiện số ca nhiễm hàng ngày tại Tây Ban Nha đã giảm còn 110 ca.
Tờ The Moscow Times đến tối 20/5 (giờ Việt Nam) ghi nhận Nga trong 24 giờ qua có thêm 8.764 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 308.705. Đây được cho là số ca nhiễm mới trong ngày thấp nhất từ đầu tháng 5 ở nước này. Đến nay Nga vẫn đang là nước có số bệnh nhân COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Số người chết vì COVID-19 trong 24 giờ qua cũng tăng 135 người, lên 2.972 người.
Thủ đô Moscow vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với tổng cộng 152.306 bệnh nhân và 1.726 trường hợp tử vong tính đến nay.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nga - bà Melita Vujnovic khẳng định tình hình dịch ở Nga đang dần đi vào giai đoạn ổn định do tốc độ lây lan đang chậm lại, theo hãng tin TASS.
Dù vậy, bà Vujnovic nhấn mạnh chính quyền Nga vẫn phải hết sức nỗ lực để giảm số lượng bệnh nhân trong nước.
Bộ Y tế Mexico thông báo số ca mắc COVID-19 tại quốc gia châu Mỹ này đã lên đến 54.346 người, trong đó có 5.666 ca tử vong, tăng tương ứng 2.713 ca bệnh và 334 ca tử vong trong 24 giờ qua. Con số 2.713 cũng là mức tăng các ca nhiễm mới cao kỷ lục trong một ngày tại Mexico.
Tại Việt Nam, tính đến 6h sáng 21/5, Việt Nam ghi nhận 324 trường hợp mắc bệnh COVID-19. Trong số đó, đã ghi nhận 264 bệnh nhân được chữa khỏi (chiếm tỷ lệ 81,4%). Đến nay đã gần 35 ngày, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Campuchia chính thức dỡ lệnh cấm nhập cảnh với du khách từ 6 nước
Tờ The Khmer Times ngày 20-5 đưa tin chính phủ Campuchia vừa chính thức dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với du khách đến từ sáu quốc gia: Ý, Iran, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ. Các nước này đều đã và có nước vẫn đang là ổ dịch cực kỳ nghiêm trọng của thế giới.
Dù gỡ lệnh cấm, du khách nước ngoài vào Campuchia ngoài cách ly bắt buộc 14 ngày vẫn được yêu cầu phải có giấy tờ xác nhận họ không nhiễm COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.
Du khách cũng cần cam kết sẽ đăng ký bảo hiểm y tế trị giá 50.000 USD trong thời gian lưu trú ở đây.
Campuchia kể từ giữa tháng 4 đến nay không ghi nhận ca tử vong và người nhiễm trong cộng đồng nào, vẫn giữ ở mức 122 người nhiễm và 0 người thiệt mạng nhờ vào các biện pháp phòng dịch và theo dõi y tế chặt chẽ.
Philipines, Indonesia và Malaysia tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 mới
Theo trang web của Lực lượng đặc nhiệm về dịch Covid-19 của Indonesia, nước này ngày 20/5 đã ghi nhận thêm 693 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, mức tăng cao nhất số ca mắc tính trong một ngày ở quốc gia Đông Nam Á và nâng tổng số ca nhiễm virus trên cả nước lên thành 19.189 người.
Lực lượng này cho hay, Indonesia cũng ghi nhận thêm 21 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 1.242 người, trong khi 4.575 người đã hồi phục.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 279 người nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, mức tăng cao nhất trong 9 ngày qua - nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 13.221 người. Bộ này cũng ghi nhận tổng cộng 842 ca tử vong. Trong khi đó, tổng số ca được chữa khỏi bệnh hiện là 2.932 người.
Malaysia cùng ngày ghi nhận thêm 31 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên cả nước lên 1.242 người, tổng cộng 4.575 người nhiễm virus đã hồi phục.
Bộ Y tế Ai Cập ngày 20/5 thông báo ghi nhận thêm 745 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đánh dấu mức tăng kỷ lục tính theo ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên hồi giữa tháng 2 vừa qua, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này lên 14.229 người.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, số bệnh nhân thiệt mạng do căn bệnh nguy hiểm này hiện là 680 người, sau khi có thêm 21 ca tử vong trong ngày. Bên cạnh đó, có 252 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 3.994 người.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Italy Paola De Micheli ngày 20/5 cho biết toàn bộ các sân bay ở quốc gia Nam Âu này có thể mở cửa trở lại kể từ ngày 3/6 tới.
Đây là một bước đi khác nhằm từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 vốn được áp đặt trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 9/3. Bà De Micheli được báo chí địa phương dẫn lời nêu rõ: “Toàn bộ các sân bay có thể mở cửa trở lại kể từ ngày 3/6, thời điểm mà các chuyến bay liên vùng, cũng như các chuyến bay quốc tế sẽ lại được phép hoạt động.”
Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo nước này ghi nhận thêm 665 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 227.364 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong tăng lên 32.330 trường hợp (tăng 161 ca) và số ca hồi phục là 132.282 ca (tăng 2.881 ca). Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho biết tổng số ca nhập viện với các triệu chứng hiện là 10.207 ca (giảm 40 ca), trong đó số ca điều trị tích cực là 676 ca (giảm 40 trường hợp)
Chính phủ El Salvador thông báo kéo dài lệnh cách ly bắt buộc tới ngày 6/6 nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Từ ngày 14/3, El Salvador đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, theo đó tạm thời đình chỉ quyền tự do đi lại của người dân. Ngay sau đó 1 tuần, Tổng thống El Salvador Nayib Bukele đã ra lệnh cách ly bắt buộc.
Trang Nguyễn