Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 26/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 5.581.003 ca, trong đó có 347.516 người thiệt mạng. Các nước cũng ghi nhận 2.360.742 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện nay là 53.145 và 2.874.400 ca đang điều trị tích cực.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 25/5 đã xác nhận thêm 300 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở nước này lên 230.158 người - cao thứ 6 thế giới.
Trong khi đó, số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Italy đã tăng thêm 92 người, và hiện là 32.877 trường hợp - nhiều thứ 3 thế giới sau Mỹ và Anh.
Italy cùng ngày cũng ghi nhận thêm 1.502 bệnh nhân COVID-19 bình phục trong ngày, nâng tổng số trường hợp được điều trị thành công lên 141.981 người. Số bệnh nhân thuộc diện điều trị đặc biệt ở nước này tiếp tục giảm 12 ca, và hiện còn 541 trường hợp.
Tổng số ca phải nhập viện ở Italy hiện là 8.185 người trong tổng số 55.300 trường hợp mắc COVID-19.
Ấn Độ tăng hơn 7.000 ca nhiễm trong một ngày: Trang thống kê Worldometer đến tối 25-5 (giờ Việt Nam) ghi nhận Ấn Độ trong 24 giờ qua có tới 7.113 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân lên 138.536. Đây là con số cao kỷ lục từ khi dịch bắt đầu lây lan ở nước này. Hiện Ấn Độ là nước có số người nhiễm nhiều thứ 10 thế giới và nhiều nhất châu Á. Số người tử vong cũng tăng 156 trường hợp, lên 4.024.Thế giới đã có 347.516 người thiệt mạng vì covid-19
Đáng chú ý, ngày 25-5 là ngày đầu tiên Ấn độ cho phép các hãng hàng không khai thác lại các chuyến bay nội địa, theo tờ The Indian Express. Bộ trưởng Hàng không Hardeep Singh Puri cho biết hành khách phải tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu bắt buộc như đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt.
Dù vậy, chính quyền một số bang như Maharashtra, Tamil Nadu và West Bengal đều cho biết chưa sẵn sàng mở cửa lại các đường băng vì tình hình COVID-19 ở những nơi này vẫn chưa được kiểm soát.
Ngày 25/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết nước này coi việc Washington cáo buộc Bắc Kinh có thể dốc sức đánh cắp vaccine ngừa Covid-19 của Mỹ là không có cơ sở.
Trước đó, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Robert O'Brien đã bày tỏ tin tưởng rằng Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên phát triển vaccine ngừa Covid-19, song không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể tìm cách đánh cắp vaccine của Mỹ.
Hà Lan ghi nhận thêm ca COVID-19 lây từ chồn: Trang thống kê Worldometer đến tối ngày 25-5 (giờ Việt Nam) cho biết Hà Lan trong 24 giờ qua có 209 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số người bệnh lên 45.445. Số ca tử vong tăng thêm tám trường hợp, lên 5.830.
Đáng chú ý, một bệnh nhân trong số 209 ca mới nói trên được cho là đã lây nhiễm virus từ một cá thể chồn nuôi ở trang trại nơi sinh sống, hãng tin Reuters ngày 25-5 dẫn bức thư Phó Thủ tướng Hà Lan Carola Schouten gửi Quốc hội nước này cho biết.
Trước đó vào ngày 26-4, giới chức Hà Lan cũng tuyên bố phát hiện một trường hợp nhiễm virus từ chồn nuôi. Một phát ngôn viên của Bộ Nông nghiệp Hà Lan cho hay ít nhất ba nông trại ở miền nam nước này báo cáo có cá thể chồn nhiễm COVID-19.
"Các thông tin này cho thấy chúng ta vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về cơ chế hoạt động của virus gây dịch COVID-19. Tuy nhiên, người dân vẫn nên giữ bình tĩnh vì các ca nhiễm này đều do tiếp xúc trực tiếp hoặc ở khoảng cách gần với chồn trong nông trại", chuyên trang khoa học National Geographic UK dẫn lời chuyên gia virus học Brian Bird thuộc ĐH California Davis (Mỹ) cho hay.
Bà Schouten cho biết cuối tuần này sẽ công bố biện pháp phòng ngừa lây lan COVID-19 từ người sang động vật sau khi thảm khảo ý kiến của các chuyên gia. Dù vậy, quan chức này cũng nhận định rủi ro bùng phát dịch từ động vật đến nay vẫn "khá thấp".
Bộ Y tế Mozambique chiều 25/5 xác nhận ca tử vong đầu tiên do mắc COVID-19 ở nước này và là một thiếu niên 13 tuổi ở tỉnh Nampula. Mozambique đã ghi nhận 209 trường hợp nhiễm COVID-19 và 71 người hồi phục.
Trong 10 ngày gần đây, số ca nhiễm mới tại Mozambique tăng nhanh hơn khi nước này tăng số lượng xét nghiệm. Đáng chú ý là nhiều ca nhiễm mới có độ tuổi dưới 19 và 26 ca nhiễm ghi nhận trong ngày 24/5 chưa xác định được nguồn lây nhiễm, dẫn đến nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng dân cư.Người dân châu Âu dần có sinh hoạt trở lại bình thường
Tỉnh Cabo Delgado, biên giới phía Bắc giáp Tanzania ghi nhận 116 ca, chiếm 55,5% cả nước.
Bộ Y tế Ai Cập ngày 25/5 đã thông báo về 702 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Bắc Phi này lên 17.967 người.
Cũng theo bộ trên, số ca tử vong vì COVID-19 ở Ai Cập hiện là 783 người, trong đó có 19 trường hợp tử vong mới được ghi nhận trong cùng ngày.
Ai Cập đã tăng cường các biện pháp chống đại dịch COVID-19, đặc biệt trong dịp lễ Eid El-Fitr, bắt đầu từ ngày 24/5, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.
Ngày 25/5, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiến sỹ Michael Ryan cảnh báo các quốc gia đang chứng kiến diễn biến dịch COVID-19 thuyên giảm vẫn có thể phải đối mặt với “đỉnh dịch thứ hai ngay lập tức” nếu dỡ bỏ quá sớm những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
Phát biểu họp báo trực tuyến, ông Ryan khẳng định thế giới vẫn đang ở trong làn sóng đầu tiên của sự bùng phát virus SARS-CoV-2.
Mặc dù số ca bệnh đang giảm xuống ở nhiều quốc gia, song tình trạng này lại gia tăng ở các khu vực Trung và Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi.
Theo tiến sĩ Ryan, các dịch bệnh thường diễn biến thành nhiều làn sóng. Do đó, một đợt bùng phát mới có thể tái diễn trong năm nay ở các khu vực mà làn sóng đầu tiên đã suy giảm.
Tính đến 6 giờ sáng 26/5, số ca tử vong tại Mỹ đã lên tới 99.772 người, tăng 472 ca trong 24 giờ qua. Ngoài ra, Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca nhiễm với 1.706.364 người. Cùng ngày, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết số ca tử vong vì COVID-19 tại bang New York, từng là tâm dịch của nước Mỹ đã giảm mạnh, trong ngày 24/5 chỉ còn 96 ca.
Brazil dường như đang bước vào một tuần "đen tối" khác khi các ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng thêm hàng ngàn trường hợp mỗi ngày trong lúc cách xử lý của Tổng thống Jair Bolsonaro ngày càng gây tranh cãi.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận 11.280 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca lên 374.898, trong đó có 23.473 ca tử vong, tăng 757 trường hợp và đã vượt qua Mỹ về số ca tử vong trong ngày. Trước đó, từ ngày 23/5, nước này đã vượt qua Nga trở thành quốc gia có số ca bệnh COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Trong khi đó, Chile và Mexico tiếp tục trải qua một ngày có thêm hàng ngàn ca bệnh mới, lần lượt là 4.985 và 2.764 ca, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh ở hai nước lên 73.997 (gồm 761 ca tử vong) và 68.620 ca (gồm 7.394 ca tử vong)
Trong ngày 25/5, Đan Mạch đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới với các nước khác ở Tây Bắc châu Âu và Đức.
Tại Bỉ, người dân bước vào phần tiếp theo của Giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Cụ thể, học sinh thuộc các cấp đã trở lại trường và việc đeo khẩu trang không còn bắt buộc đối với trẻ dưới 12 tuổi. Cùng ngày, Bộ Nội vụ Bỉ tuyên bố sẽ không áp đặt trở lại các biện pháp nghiêm ngặt nhằm khống chế dịch COVID-19 ngay cả khi làn sóng COVID-19 thứ hai xảy ra tại nước này. Bỉ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, với 57.092 ca mắc bệnh, trong đó có 9.280 ca tử vong. Dự kiến, chính phủ nước này sẽ họp với các lãnh đạo vùng, các chuyên gia kinh tế và y tế vào ngày 3/6 tới để thảo luận việc nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế.
Tại Hy Lạp, chính phủ đã cho phép các quán cafe và nhà hàng được mở cửa lại từ ngày 25/5. Cùng ngày, Chính phủ Iceland cũng nới lỏng mức báo động quốc gia đối với dịch COVID-19, cho phép hoạt động tụ tập tới 200 người. Các câu lạc bộ ban đêm và phòng tập thể dục mở cửa trở lại trong bối cảnh nước này cơ bản đẩy lùi được đại dịch.
Số ca COVID-19 tại Pháp đến hiện tại là 182.942 ca, tăng 358 trường hợp trong ngày 25/5, với tổng số 28.432 ca tử vong, tăng thêm 199 ca.
Các biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế Pháp sau cuộc khủng hoảng y tế COVID-19 có thể tiêu tốn tới 450 tỷ euro (khoảng 490 tỷ USD), tương đương với 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Đây là tuyên bố được Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đưa ra ngày 25/5.
Theo trang worldometers, số ca mắc bệnh COVID-19 tại Nga đã vượt mốc 350.000 người, lên tới 353.427 ca, sau khi tăng thêm 8.946 ca chỉ trong 24 giờ qua.
Trang Nguyễn