Tính tới rạng sáng 30/3, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 7.839 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 832 ca mới. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm đã tăng vọt lên 230 người, nhiều hơn 24 ca so với một ngày trước đó. Các nước trong khu vực cũng thông báo 879 người đã được điều trị thành công và xuất viện.
Đến thời điểm sáng 6h40 phút ngày 30/3, Việt Nam có 194 ca nhiễm COVID 19, trong đó 25 trường hợp đã bình phục, tổng số trường hợp nghi ngờ đã loại trừ là 11.528.
Indonesia, Philippines và Malaysia đang là những điểm dịch nóng nhất tại Đông Nam Á.
Indonesia ghi nhận số ca tử vong mới cao nhất khu vực trong ngày 29/3. Theo giới chức y tế nước này, đã có 12 người thiệt mạng vì mắc COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại "quốc gia vạn đảo" lên 114 người, nhiều nhất khu vực.
Quan chức y tế Achmad Yurianto cho biết Indonesia ghi nhận thêm 130 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia Đông Nam Á lên thành 1.285 người. Số ca khỏi bệnh hiện là 64. Theo quan chức này, Indonesia đã xét nghiệm hơn 6.500 trường hợp trên khắp cả nước.
Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này ngày 29/3 thông báo có thêm 150 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.470 trường hợp. Số ca tử vong tại Malaysia cũng tăng thêm 7 trường hợp, lên con số 34 tính tới hết ngày.
Từ ngày 18/3 vừa qua, Chính phủ Malaysia đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch bệnh như cấm đi lại giữa các khu vực hành chính trên cả nước, yêu cầu đóng cửa các trường học và các cửa hàng. Lệnh cấm này có hiệu lực đến ngày 14/4 tới.Dịch bệnh khiến các nước ở Trung Đông bắt đầu "nóng" lên
Bộ Y tế Singapore thông báo, trong 24h qua, nước này đã có thêm một ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại "Đảo quốc Sư tử" lên thành 3 trường hợp. Số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Singapore hiện là 844 người, tăng 42 ca so với một ngày trước.
Campuchia cùng ngày thông báo nước này ghi nhận thêm 4 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 103 trường hợp.
Tình hình dịch COVID-19 tại các nước thành viên ASEAN khác như Myanmar hay Timor Leste trong ngày không có biến động, không phát hiện thêm ca bệnh mới và hiện lần lượt có số người mắc COVID-19 là 8 và 1.
Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump vừa từ chối phong toả New York dù thành phố này đang là tâm dịch COVID-19 của Mỹ. Ông Trump nói sẽ đưa ra khuyến cáo đi lại đối với New York thay vì cô lập hoàn toàn nơi này. Thông báo được đưa ra khi số ca tử vong vì COVID-19 ở Mỹ đã vượt 2.100 (tính đến ngày 28/3), gần gấp đôi con số của 2 ngày trước. Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm, với khoảng 122.000 trường hợp.
Bộ Y tế Ai Cập xác nhận có thêm 33 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh COVID-19 ở quốc gia này lên 609.
Số người tử vong do chủng virus nguy hiểm này cũng đã cán mốc 40, sau khi có thêm 4 trường hợp tử vong mới trong ngày.
Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa gửi thư đến 30 triệu gia đình của nước này để nhắn nhủ rằng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn rồi mới khá lên. Anh đến nay có 17.089 ca nhiễm và 1.019 trường hợp tử vong. Giới chức nước này dự báo đỉnh dịch sẽ tới sau vài tuần nữa.
Thứ trưởng Y tế Italy, ông Pierpaolo Sileria, phát biểu trên truyền hình rằng nước này đã gần đến đỉnh dịch. Ông nói “tối đa 10 ngày nữa” Italy sẽ thấy số ca nhiễm giảm dần. Italy đến nay có 92.472 ca nhiễm và 10.023 người tử vong. Cả nước ghi nhận 13.030 ca hồi phục, trong khi vẫn còn 3.906 người phải chăm sóc tích cực.
Cho đến nay, Ai Cập cũng ghi nhận 182 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính, trong đó 132 người đã phục hồi hoàn toàn và được xuất viện.
Ai Cập hiện đã chuẩn bị 27 bệnh viện trên toàn quốc để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã chỉ thị cho Nội các nước này tìm cách thúc đẩy sản xuất các trang thiết bị y tế trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thiếu hụt do tác động của dịch COVID-19.
Theo Bộ Y tế Saudi Arabia, đã có thêm 96 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng ca nhiễm bệnh ở quốc gia vùng Vịnh này lên 1.299.
Cho đến nay, dịch COVID-19 đã khiến 8 bệnh nhân tử vong tại Saudi Arabia, trong khi con số phục hồi là 66.
WHO thử nghiệm các loại thuốc
Các bệnh nhân ở Na Uy sẽ trở thành những người đầu tiên tham gia một nghiên cứu quốc tế quy mô lớn để tìm ra phương pháp điều trị COVID-19 hữu hiệu nhất, được khởi xướng bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nghiên cứu sẽ được triển khai đầu tiên tại Bệnh viện ĐH Oslo, CNN dẫn thông báo của chính phủ Na Uy. Nghiên cứu này sẽ được dẫn dắt bởi ông John-Arne Rettingen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Na Uy.
Kế hoạch của dự án là sẽ mở rộng quy mô nghiên cứu ra 22 bệnh viện trên khắp Na Uy. Các loại thuốc được sử dụng trong thử nghiệm này là thuốc sốt rét hydroxychloroquine/plaquenil, thuốc điều trị Ebola remdesivir và thuốc dành cho người nhiễm HIV (lopinavir/ritonavir). Chúng có thể được sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp với thuốc viêm gan (interferon-β1a).
Trang Nguyễn