Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 3.227.288 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 55.395 và 3.062.009 ca đang điều trị tích cực. Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, châu Mỹ đang là tâm dịch mới của thế giới, với số ca mắc bệnh và tử vong hàng ngày vẫn rất cao ở nhiều nước trong khu vực.
Trong 24 giờ qua, thế giới có 2 nước ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức trên 1.000 ca là Brazil (1.234 ca) và Mexico (1.092 ca).
Ảnh minh hoạ
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng 5/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 2.033 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 2.900 người.
Trong 24 giờ qua, có hai nước thành viên ASEAN là Indonesia, Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Trong ngày, khu vực có 6 nước ghi nhận các ca mắc mới, trong đó Indonesia là nơi dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng nhất khu vực. Singapore dù số ca dương tính mới hơn 500 người, song số ca tử vong vẫn duy trì ở mức thấp.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.910 người dân ở khu vực này, tăng 33 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 98.343 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 44,032 trường hợp.
Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với tổng cộng 1.721 người tử vong. Thái Lan đang đối mặt với nỗ lo dịch bệnh bùng trở lại trong mấy ngày gần đây, trong đó ngày 4/6 ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới.
Về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines. Ngược lại, 6 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đã bắt đầu nới lỏng các qui định giãn cách xã hội và khôi phục kinh tế.
Mỹ vẫn là ổ dịch nghiêm trọng nhất thế giới với số ca dương tính mới trong 24 giờ qua cao nhất, song số ca tử vong đang có đà giảm trong mấy ngày qua.
Tính tới sáng 5/6 theo giờ Việt Nam, Mỹ ghi nhận thêm 988 ca tử vong và 21.185 ca dương tính mới, qua đó nâng tổng số người thiệt mạng và mắc COVID-19 tại "Xứ sở cờ hoa" lên lần lượt 110.130 ca và 1.922.968 ca.
Một báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) công bố tuần này nhận định rằng nền kinh tế của Mỹ có thể sẽ mất gần một thập kỷ để phục hồi hoàn toàn sau những ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp. CBO dự báo đại dịch COVID-19 có thể sẽ khiến sản lượng kinh tế của Mỹ thiệt hại khoảng 8 nghìn tỷ USD trong thập kỷ này, giảm khoảng 3% so với những dự báo trước khi dịch bệnh bùng phát.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Nam Phi, riêng trong ngày 4/6, nước này đã ghi nhận thêm 3.267 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 – số ca nhiễm kỷ lục trong 24h kể từ khi nước này thông báo ca đầu tiên hôm 3/5, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 40.792 người, trong đó có 848 ca tử vong.
Nam Phi bước sang ngày thứ 70 áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc do đại dịch COVID-19. Bắt đầu từ hôm 1/6, nước này đã nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 nhằm khôi phục hoạt động của một số lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Cũng từ thời điểm này, các chuyến bay nội địa đã được phép hoạt động trở lại.
Ngày 4/6, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi cho rằng đại dịch COVID-19 đã cho thấy rằng thế giới cần đoàn kết và hành động nhanh chóng nhằm giảm sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này đồng thời tìm kiếm vắc-xin. Theo nhà lãnh đạo Ai Cập, vắc-xin ngừa COVID-19 nên được cung cấp cho tất cả các nước theo nguyên tắc công bằng.
Bộ Y tế Ai Cập cùng ngày thông báo đã phát hiện thêm 1.152 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia Bắc Phi lên 29.767 người. Tính đến nay, tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 ở Ai Cập hiện là 1.126 người sau khi có thêm 38 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 4/6. Bên cạnh đó, cũng đã có thêm 406 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh và được ra viện, qua đó nâng tổng số trường hợp đã bình phục lên 7.756 người.
Nhiều đánh giá khoa học ban đầu cho rằng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ dơi hoặc tê tê, và nhiều khả năng virus này đã lây sang một động vật trung gian sau đó nhiễm sang con người. Có giả thiết SARS-CoV-2 bùng phát từ một khu chợ hải sản ở Vũ Hán.
Tờ The Lancet cho biết những phân tích gần đây cho thấy trong 41 bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên, chỉ có 27 người có liên quan tới chợ hải sản và bệnh nhân đầu tiên lại không nằm trong nhóm này. Nhiều nhà khoa học vẫn cho rằng chợ hải sản là nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2.
Trong khi đó, lại có nghi vấn hai cơ sở thí nghiệm là Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch Vũ Hán và Viện Virus học Vũ Hán, vốn từng nghiên cứu về virus trong dơi, có thể là nguồn lây lan COVID-19. Nhưng đến nay chưa có bằng chứng thuyết phục cho giả thiết này.
Ngày 4/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh cần phải đảm bảo mọi người dân trên thế giới đều có thể tiếp cận với vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 một khi các nhà khoa học phát triển và điều chế thành công.
Tổng thư ký Guterres đưa ra phát biểu trên tại hội nghị trực tuyến do Anh chủ trì nhằm huy động nguồn tài trợ cho các phương pháp điều trị y tế mới.
Ông Guterres nêu rõ: "Vắcxin phải được xem là một mặt hàng chung của toàn cầu. Một loại vắcxin dành cho tất cả mọi người là điều mà ngày càng có nhiều lãnh đạo các nước trên thế giới đang kêu gọi."
Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi các bên tham gia hội nghị cam kết tìm kiếm "những cách thức an toàn để tiếp tục đảm bảo các chương trình tiêm chủng vẫn diễn ra ngay cả khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đồng thời đảm bảo mọi loại vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 có thể đến với người dân."
Trang Nguyễn