Tính đến 6 giờ ngày 6/5, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Như vậy đã có 20 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, nhưng người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để dập dịch.

Theo thông tin từ Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19, trong số 3 bệnh nhân COVID-19 nặng, đến chiều ngày 5/5, chỉ còn bệnh nhân số 91 nguy kịch đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Ca bệnh số 19 chuyển trạng thái nặng, thở ô-xy không xâm nhập hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Tại châu Á, số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 10h00 ngày 5/5 (giờ địa phương), tổng số ca nhiễm tại Hàn Quốc là 10.804 người, trong đó bao gồm 3 ca mới được phát hiện khi làm thủ tục nhập cảnh.Khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 12.999 trường hợpKhu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 12.999 trường hợp

Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày. Ngày 5/5, giới chức y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận 484 ca mắc bệnh cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á lên thành 12.071 người. Đây cũng là ngày có nhiều ca mắc nhất được ghi nhận tại nước này.

Đến hết ngày 5/5, Thái Lan có tổng cộng 2.988 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong. Thái Lan cũng đã chữa khỏi cho 2.747 bệnh nhân COVID-19, trong khi vẫn còn 187 trường hợp đang được điều tại tại các cơ sở y tế.

Mỹ tiếp tục là điểm nóng dịch COVID-19 hàng đầu của thế giới, với số ca dương tính và tử vong ghi nhận theo ngày cao hơn hẳn các nước khác. Cụ thể, trong vòng 24 giờ qua, Mỹ xác nhận 23.306 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 2.246 người tử vong, qua đó nâng tổng số ca bệnh và tử vong vì đại dịch tại nước này lên lần lượt 1.236.141 và 72.167. 

Tâm dịch New York đã không còn dẫn đầu về số ca tử vong mỗi ngày, thay vào đó là hai tiểu bang Pennsylvania và New Jersey.

Tại Pháp, tính đến sáng 6/5 theo giờ Việt Nam, số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên tới 25.531 người (tăng 330 ca trong 24 giờ qua). Hiện Pháp có 24.775 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 773 ca so với hôm trước), trong đó 3.430 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 266 trường hợp). Như vậy, số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã giảm liên tiếp từ 27 ngày nay.

Trong khi đó tại Italy, số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố cho thấy, trong ngày 5/5, nước này ghi nhận 1.075 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên thành 213.013 người.

Số ca tử vong do COVID-19 tại Italy đã tăng lên 29.315 trường hợp (tăng 236 ca). Có 2.352 ca hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 98.467 người. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm 52 ca xuống còn 1.427 người.

Tại Anh, số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tới hết ngày 5/5 đã lên tới 29.427 người, trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 2 trên thế giới vì dịch COVID-19, sau Mỹ. Số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia cho thấy Anh đã vượt Italy - nước hiện ghi nhận 29.315 ca tử vong - và chỉ đứng sau Mỹ.

Trong 24 giờ qua, Anh ghi nhận 4.406 ca mắc bệnh và 693 ca tử vong vì dịch COVID-19. Nhà chức trách Anh cho biết trên 6,3 triệu công nhân của nước này đã được cho nghỉ phép và chính phủ đã giành 8 tỷ bảng (9,9 tỷ USD) để trả lương cho họ trong thời gian phong tỏa phòng dịch bệnh.

Chính phủ Anh đã lần đầu tiên thử nghiệm ứng dụng truy tìm SARS-CoV-2 vào thứ Hai 4/5 trên một hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển phía Nam nước này.

Sử dụng công nghệ bluetooth, ứng dụng sẽ cảnh báo người dùng nếu họ ở gần với người dương tính với virus.

Ngày 5/5, Bộ Y tế Ai Cập thông báo, số liệu thống kê cập nhật hàng ngày cho thấy tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đã lên đến 7.201 trường hợp sau khi ghi nhận thêm 388 ca nhiễm mới. 

Truyền thông nhà nước Ai Cập dẫn thông báo của bộ trên cho hay, tính đến nay đã có 452 người tử vong do COVID-19, trong đó có 16 ca tử vong mới được ghi nhận trong ngày 5/5.

Cùng ngày, Luxembourg đã hối thúc Đức chấm dứt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan tại biên giới trong bối cảnh các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) đang phải vật lộn phối hợp ứng phó với đại dịch COVID-19.

Một số thành viên trong EU đã bắt đầu hoạt động bình thường trở lại theo từng giai đoạn sau khi có nhiều dấu hiệu cho thấy đỉnh dịch đã qua. Tuy nhiên, vào ngày 4/5, Đức vẫn quyết định duy trì kiểm soát tại khu vực biên giới với những nước láng giềng nhỏ hơn cho đến ít nhất là ngày 15/5 tới, bất chấp những lời kêu gọi đoàn kết trong nội khối.

Tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế cho biết trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 185 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 25.613 ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Tây Ban Nha có số ca tử vong hàng ngày dưới 200 người. Số ca nhiễm mới đã tăng từ 218.011 ca lên 219.329 ca.

Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết trong ngày 5/5, nước này đã ghi nhận 10.102 ca nhiễm mới tại 83 chủ thể liên bang, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 155.370 ca.

Trong 24 giờ qua, LB Nga cũng ghi nhận 95 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi do COVID-19 lên 1.451 ca. Số bệnh nhân hồi phục đã tăng thêm 1.770 người lên 19.865 người. Có 49,1% số ca các nhiễm mới được ghi nhận không có biểu hiện lâm sàng. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất trong 1 ngày với 5.714 ca.

Bộ Y tế Israel cuối ngày 5/5 thông báo đã ghi nhận 238 ca tử vong, và chỉ có 43 trường hợp mắc bệnh COVID-19 được ghi nhận trong 24 giờ qua. Trong số 5.586 ca được ghi nhận dương tính với virus SARV-CoV-2, 91 người hiện ở tình trạng nghiêm trọng. Hơn 10.000 bệnh nhân đã phục hồi.

Tổng thống Peru Martin Vizcarra ngày 5/5 xác nhận số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã vượt quá ngưỡng 50.000 người.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Lima, Tổng thống Vizcarra cho biết, có tổng cộng 50.189 ca mắc COVID-19 đã được phát hiện, trong đó có 1.444 ca tử vong.

Peru là một trong những quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, tuy nhiên, trong vòng 10 ngày Peru đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng gấp đôi, khiến nước này trở thành quốc gia chịu tác động nặng nề thứ 2 trong khu vực, sau Brazil.

Chưa thấy bằng chứng virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm

Trong phiên điều trần của Thượng viện Mỹ, Nghị sĩ John Ratcliffe nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu của tình báo Mỹ lúc này là điều tra những tác động của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới cũng như làm sáng tỏ nghi vấn về nguồn gốc của SARS-CoV-2.

Ông Ratcliffe, người được Tổng thống Donald Trump đề cử giữ chức Giám đốc tình báo, cho rằng Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất" đối với Mỹ do ảnh hưởng của đất nước đông dân nhất thế giới trong sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

"Mọi con đường đều dẫn đến Trung Quốc", ông Ratcliffe nhấn mạnh.

Tuy nhiên khi bị chất vấn, Nghị sĩ này thừa nhận rằng ông chưa nhìn thấy chứng cứ cho việc virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm hay có nguồn gốc từ Vũ Hán.

 Trang Nguyễn