Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng của nhiều biến động như xung đột quân sự, biến đổi khí hậu và sự phục hồi không ổn định của kinh tế toàn cầu, tỉnh Nghệ An vẫn duy trì được đà tăng trưởng;
Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy và chính quyền, sự phối hợp của hệ thống chính trị cùng với nỗ lực của doanh nghiệp và người dân.
Theo số liệu ước tính, dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 7,5-8% (trong đó, khu vực nông nghiệp ước tăng 4-4,2%, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 12,5-13,5%, khu vực dịch vụ tăng 5,8-6,2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,7-7,2%); riêng tăng trưởng GRDP Quý III ước đạt khoảng 8,5%.
Cụ thể, tổng sản lượng nông nghiệp 9 tháng đạt 264.821,45 ha, tương đương 99,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9/2024 tăng 12,4%, nâng lũy kế 9 tháng lên mức tăng trưởng 10,64%. Các ngành như khai khoáng, chế biến, xử lý nước thải và cung cấp điện đều ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là ngành điện với mức tăng 18,56%.
Về thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước đạt 83.523 tỷ đồng, tăng 22,25% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2.326 triệu USD, tăng 32,01%, và nhập khẩu đạt 1.690 triệu USD, tăng 73,51%.
Lượng khách du lịch 9 tháng đầu năm đạt 8,43 triệu lượt, tăng 15%, trong đó khách quốc tế tăng 58% so với năm trước. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 26.244 tỷ đồng.
Hoạt động thu hút đầu tư cũng đạt được kết quả tích cực với 58 dự án mới và tổng vốn đăng ký đầu tư là 18.739,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 22/9/2024, đã có 1.533 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023 với tổng số vốn đăng ký thành lập 17.306 tỷ đồng, tăng 29,69%. Có 625 doanh nghiệp hoạt động trở lại, bằng 84,5% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2024 ước thực hiện 16.671 tỷ đồng, đạt 104,8% dự toán, bằng 143,2% cùng kỳ năm 2023. Trong đó thu nội địa ước thực hiện 15.462 tỷ đồng, đạt 106,4% dự toán và bằng 142,8% cùng kỳ năm 2023; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 1.199 tỷ đồng, đạt 92,2% dự toán, bằng 151,5% cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương 9 tháng ước thực hiện 24.188 tỷ đồng, đạt 66,9% dự toán.
Mặc dù kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh, chi phí sản xuất tăng cao và nhu cầu thị trường thấp. Số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động cũng tăng so với cùng kỳ năm trước. Công tác thu hồi đất và giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng khu công nghiệp vẫn còn vướng mắc chưa được giải quyết triệt để.
Trong bối cảnh khó khăn chung, tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cần giải quyết để thúc đẩy sự phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Lê Quyết