Diễn đàn nhằm mục đích giúp doanh nghiệp Việt Nam có cách tiếp cận và những giải pháp thích hợp đối với bài toán vừa tiết kiệm tối đa chi phí vừa đem lại nhiều lợi ích nhất cho các bên liên quan, cũng như tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chuỗi cung ứng toàn cầu không còn xa lạ với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi nền kinh tế Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cách đây 30 năm. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Việt mới chỉ tham gia vào chuỗi cung ứng thứ cấp nên giá trị gia tăng không cao.
Hiện nay mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó con số này ở Thái Lan là hơn 30%, Malaysia là 46%, do vậy, doanh nghiệp Việt ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý.
Phát biểu tại diễn đàn PGS, TS Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược và thương hiệu cạnh tranh cho biết, một trong những yếu kém nổi bật là chuỗi cung ứng hàng hóa chưa hình thành một cách đầy đủ, đồng bộ, còn phát triển rời rạc, lạc hậu, còn mang nhiều dáng dấp của kiểu cung ứng thời bao cấp hoặc của nền sản xuất nhỏ lẻ. Chính vì vậy, khi chúng ta nhập hội nhập kinh tế toàn cầu thì thị trường cung ứng này đã không đáp ứng được yêu cầu khiến sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu kém.
PGS, TS Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược và thương hiệu cạnh tranh phát biểu tại diễn đàn
Qua những báo cáo tổng kết, phân tích chỉ ra rằng, chi phí logistics tại Việt Nam cao gấp đôi, gấp ba so với các nước có hoàn cảnh tương đồng. PGS, TS Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh: Chúng ta cần hình thành được một chuỗi cung ứng hàng hóa không chỉ làm tốt việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa ở trong nước mà còn phục vụ tốt cho sản xuất và xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới; làm sao để chúng ta có thể hiện đại hóa chuỗi cung ứng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay áp dụng công nghệ 4.0 và cần phải hình thành chuỗi cung ứng hiện đại hóa, tối ưu hóa nhằm giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế.
Diễn đàn bao gồm hai phiên thảo luận bao gồm phiên thảo luận “Quản trị chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” và “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp”.
Trong phiên thảo luận, bên cạnh những bài trình bày cả về lý luận cùng những ví dụ thực tiễn sinh động, các chuyên gia cũng giải đáp nhiều câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến cách tiếp cận khách hàng và thị trường, quản lý tồn kho và vốn hoạt động, nhận diện và giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng…
Trúc Mai