Cùng dự Lễ tôn vinh, về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam có: Ông Chu Mạnh Sinh - Phó Tổng Giám đốc; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố có doanh nghiệp được khen thưởng dịp này. Về phía khách mời có: ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy viên Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và 87 doanh nghiệp tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc được khen thưởng, tôn vinh tại buổi lễ.
Buổi lễ được tổ chức nhằm biểu dương, động viên, khích lệ các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2017-2021, qua đó tạo sự lan tỏa tới tất cả các đơn vị sử dụng lao động nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là dịp để ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam thể hiện sâu sắc hơn sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của ngành với các doanh nghiệp trong công tác chăm lo an sinh xã hội cho người lao động.
Sự kiện này được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tại 2 khu vực phía Bắc và phía Nam với 190 doanh nghiệp tiêu biểu được vinh danh, khen thưởng, trong đó có 87 doanh nghiệp thuộc khu vực phía Bắc và 103 doanh nghiệp thuộc khu vực phía Nam. Đây không chỉ là những doanh nghiệp có bề dày thành tích trong thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, mà còn có kết quả sản xuất kinh doanh tiêu biểu, chấp hành tốt các nghĩa vụ với Nhà nước, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh, được Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước lựa chọn và đề nghị khen thưởng, sau khi có kết quả hiệp y từ các sở, ngành quản lý nhà nước trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội mà trụ cột là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước. Qua 27 năm hình thành và phát triển, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng. Trong những thành tích ấy có sự đồng hành, chia sẻ, ủng hộ của các đơn vị sử sử dụng lao động nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Các đơn vị sử dụng lao động đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, chấp hành nghiêm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Có thể thấy, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đang ngày một được củng cố, đặc biệt, ngay cả trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn tiếp tục được mở rộng. Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên trên 16,5 triệu người vào năm 2021 (gấp 7,2 lần so với năm 1995, bình quân mỗi năm tăng gần 0,9 triệu người). Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp 241,7 lần so với năm 2008, bình quân mỗi năm tăng trên 100 nghìn người). Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên 13,4 triệu người vào năm 2021 (gấp 2,24 lần so với năm 2009, bình quân mỗi năm tăng 0,6 triệu người). Số người tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 88,8 triệu người vào năm 2021 (gấp 12,5 lần so với năm 1995, bình quân mỗi năm tăng hơn 3 triệu người), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.
Công tác giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Theo đó, từ năm 1995 đến hết năm 2021, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết cho hơn 124,2 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe (bình quân mỗi năm gần 5 triệu lượt người hưởng); từ năm 2010 đến hết năm 2021 giải quyết cho trên 7,68 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (gồm trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề); đến cuối năm 2021, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khoảng 3,3 triệu người (tăng 179% so với năm 1995); từ năm 2003 đến 2021, toàn Ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 2.217 triệu lượt người.
Hiện nay cả nước đã có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho 15,1 triệu người lao động. Trong bối cảnh như vậy, việc doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã giúp người lao động được đảm bảo đầy đủ, kịp thời các quyền lợi, chế độ như: trợ cấp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí, bảo hiểm y tế… Theo đó, trong suốt những năm qua đã có hàng trăm triệu lượt người lao động được thụ hưởng các chính sách này, góp phần giúp người lao động vượt qua khó khăn, đảm bảo và ổn định cuộc sống, cũng như được khám chữa bệnh kịp thời. Qua đó giúp người lao động yên tâm làm việc, cống hiến, gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp, tiếp tục cống hiến xây dựng đất nước.
Đặc biệt, ngay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Quốc hội, Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, nhằm khởi động mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội cho người dân. Trong đó, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã bám sát các chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, tập trung huy động mọi nguồn lực sẵn có, phát huy lợi thế của hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin và mã định danh của từng người tham gia, rút gọn tối đa các công đoạn, thủ tục và thời gian triển khai các gói hỗ trợ đến người lao động và người sử dụng lao động đúng - đủ - kịp thời - công khai - minh bạch theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Có thể thấy, với sự đồng hành, phối hợp của các đơn vị sử dụng lao động, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện việc triển khai hỗ trợ và giảm mức đóng từ các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo các gói hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ tới người lao động và người sử dụng lao động là trên 47.200 tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ. Cụ thể, chi trả 31.836 tỷ đồng trực tiếp bằng tiền từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho trên 13,3 triệu lượt người lao động; thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và hỗ trợ đào tạo học nghề với tổng số tiền 15.428,2 tỷ đồng cho trên 739 nghìn lượt đơn vị sử dụng lao động. Qua đó đã góp phần hiệu quả giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống của người lao động, đồng thời đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Với ý nghĩa đó, thay mặt ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đánh giá cao và trân trọng sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp cho công tác đảm bảo, chăm lo an sinh xã hội cho người lao động. Thời gian tới, chặng đường hồi phục sau đại dịch chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với sự sáng tạo, bản lĩnh vững vàng, kiên định của cộng đồng doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam bày tỏ tin tưởng, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng vượt qua và có những bước phát triển vượt bậc hơn nữa.
Tại buổi lễ, nhằm ghi nhận và khích lệ các doanh nghiệp tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2017-2021, thừa ủy quyền Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đã trao tặng Bằng khen cho 87 doanh nghiệp tiêu biểu tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Việt Anh