Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm vườn chè của Hợp tác xã Hảo Đạt, thành phố Thái Nguyên tháng 1/2023. (Nguồn: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm vườn chè của Hợp tác xã Hảo Đạt, thành phố Thái Nguyên tháng 1/2023. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều thành tựu trong cuộc chiến chống "giặc nội xâm"

Công cuộc phòng chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phản ánh đầy đủ qua tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" (NXB Chính trị quốc gia,2023). Qua các bài viết được in trong tác phẩm này, Tổng Bí thư đã trình bày có hệ thống yêu cầu bức thiết phải kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác phòng, chống tham nhũng những năm gần đây. Chính phủ và các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để đấu tranh với “căn bệnh” này, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, trong sạch, văn minh. Đã có nhiều vụ án tham nhũng lớn được phanh phui và xử lý nghiêm minh. Các quy định về kê khai tài sản, thu nhập được siết chặt, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát. Hệ thống pháp luật về phòng chống tham nhũng tiêu cực đã được hoàn thiện, đồng bộ, tạo khung pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh. Các kênh tiếp nhận thông tin tố cáo được mở rộng, khuyến khích người dân tham gia tố cáo các hành vi tham nhũng.

Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất cứ ai vi phạm tham nhũng, tiêu cực đều phải được đưa ra ánh sáng. Tinh thần đó làm cho công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta có hiệu quả. Chúng ta ghi nhớ tâm tư của ông: "Tôi đã nói nhiều lần: không ngừng, không nghỉ, phải làm thật sự trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị của chúng ta, làm trong sạch đội ngũ của chúng ta. Đây là yếu tố quyết định tất cả mọi công việc khác để chúng ta bịt kín những lỗ hổng, chặn đứng những việc làm ti tiện, đớn hèn...”.

Ngày 5/6/2023, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật các nữ đại biểu Quốc hội khóa XV nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam (15/5/2008 - 15/5/2023). (Nguồn: Chinhphu.vn)
Ngày 5/6/2023, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật các nữ đại biểu Quốc hội khóa XV nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam (15/5/2008 - 15/5/2023). (Nguồn: Chinhphu.vn)

Tổng Bí thư đã chú trọng việc củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và hệ thống chính trị. Ông đã thực hiện các cải cách nhằm tăng cường kỷ luật Đảng và nâng cao hiệu quả công tác của các cơ quan nhà nước. Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của ông, chiến dịch chống tham nhũng đã được thực hiện thành công, đưa ra các chính sách nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý nhà nước, đem lại niềm tin trong nhân dân.

Trong điếu văn tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói: Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị chiếm vị trí đặc biệt quan trọng đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu làm rõ về bản chất của Đảng, về xây dựng Đảng cầm quyền từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam. Từ đó, Đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương hoạch định và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương chiến lược về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết, kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, chống sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng. Đây là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” vô cùng gian nan vất vả làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, khẳng định vai trò tiên phong, bản lĩnh, trí tuệ, để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh”.

Không có thước đo nào bằng thước đo của lòng dân, những di sản mà Tổng Bí thư để lại vô cùng to lớn và có tầm quan trọng đối với đất nước ta, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. "Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", "Ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm"… là những phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thực tế chứng minh ông đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong cuộc đấu tranh phòng, chống "giặc nội xâm".

Từ kết quả của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hơn 10 năm qua, ông luôn nhấn mạnh một trong những bài học có giá trị để củng cố thêm bản lĩnh và niềm tin của cả hệ thống chính trị. Đó là, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng, không thể chủ quan, nóng vội; không được né tránh, cầm chừng, thỏa mãn, đồng thời phải rất kiên trì, không nghỉ, không ngừng.

NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để cho người ở lại, đó là niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng. (Nguồn: Hanoi Books)
NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để cho người ở lại, đó là niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng. (Nguồn: Hanoi Books)

Cần lan tỏa "di sản niềm tin"

Tổng Bí thư đã rất nỗ lực trong việc xây dựng lòng tin của người dân vào Đảng và sự phát triển của đất nước. Vai trò của ông rất quan trọng trong thế kỷ XXI, với các đóng góp nổi bật trong việc chống tham nhũng, củng cố hệ thống chính trị, thúc đẩy hội nhập quốc tế và củng cố lòng tin xã hội. Có thể nói, sự lãnh đạo của ông đã có tác động sâu rộng, mạnh mẽ đến sự phát triển và ổn định của đất nước ta hiện tại cũng như trong tương lai.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Hình ảnh những dòng người xếp hàng dài trong đêm trên các con phố chờ vào viếng, tiễn biệt Tổng Bí thư cho thấy, ông "mãi mãi thuộc về Tổ quốc và nhân dân", "di sản của Tổng Bí thư sẽ sống mãi trong lịch sử Việt Nam" như Lời điếu mà Chủ tịch nước Tô Lâm đọc trong Lễ truy điệu.

Ông là một nhà văn hóa lớn, để lại ấn tượng sâu sắc về khí chất, cốt cách của một nhân cách văn hóa cao đẹp. Những điều đó được thể hiện giản dị, khiêm nhường trong từng lời nói, từng cử chỉ, trong đạo đức và lối sống hằng ngày. Ông từng khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”.

Có một di sản mà ông để cho người ở lại, đó là niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng, vào những giá trị tốt đẹp của chế độ, niềm tin vào những giá trị nhân văn của cuộc sống, vào danh dự của con người. Di sản niềm tin ấy cần được lan tỏa trong nhân dân ta. Niềm tin đối với Đảng, với chế độ sẽ đưa đến sức mạnh của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đói nghèo, chống lại với các thói hư tật xấu, hướng tới một xã hội tốt đẹp, hạnh phúc và thịnh vượng.

Yến Nguyệt (ghi)/baoquocte.vn