Xuyên suốt là sản xuất hàng quốc phòng
Cách đây 45 năm, ngày 9-5-1975, Tiểu đoàn 1 (Phòng Quân nhu, Cục Hậu cần Miền), đơn vị tiền thân của TCT 28 ngày nay, được thành lập trên cơ sở tiếp quản một xưởng may sau giải phóng. Trong những ngày đầu giải phóng, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thi đua sản xuất, bảo đảm kịp xuất xưởng những bộ quân trang đầu tiên phục vụ duyệt binh, diễu hành trong lễ mừng chiến thắng. Không lâu sau, Tiểu đoàn 1 đổi tên thành Xí nghiệp 28 trực thuộc Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần), sản xuất quân trang phục vụ các đơn vị đứng chân trên địa bàn phía Nam làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia…
Từ năm 1997 trở về trước, ngành quân trang quân đội phải nhận vải từ các xí nghiệp dệt của Nhà nước, hoặc nhập vải từ nước ngoài để may quân trang cho bộ đội nên gặp không ít khó khăn. Với nhiệm vụ sản xuất hàng quốc phòng đặt lên hàng đầu, Công ty 28 đã đề xuất với Chính phủ và Bộ Quốc phòng cho xây dựng xí nghiệp dệt quân đội để chủ động sản xuất vải may quân trang, bảo đảm sự thống nhất và giảm chi phí quốc phòng. Sau hơn hai năm khẩn trương, Xí nghiệp Dệt quân đội với máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến chính thức hoạt động, góp phần đưa Công ty 28 trở thành một trong những doanh nghiệp hậu cần quân đội có tiềm lực mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đây, Công ty 28 đã làm chủ hoàn toàn công nghệ kéo sợi từ bông, dệt vải, nhuộm màu và hoàn tất sản phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vải chất lượng cao phục vụ quân đội, công an xây dựng chính quy, khắc phục triệt để tình trạng quân trang nhiều màu sắc. Cũng từ đây, Nhà nước không phải dùng ngoại tệ để nhập vải may quân phục cho các đơn vị lực lượng vũ trang.
Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần kiểm tra hoạt động sản xuất của Tổng công ty 28
Thành công này mở ra hướng đi mới, để năm 2002 Công ty 28 được giao nhiệm vụ nghiên cứu thay đổi màu sắc và kiểu dáng quân phục chiến sĩ. Công ty đã nghiên cứu, thử nghiệm hàng trăm mẫu vải, sau đó bộ quân phục K03 màu Tô Châu đã được duyệt, sản xuất đồng loạt trang bị cho chiến sĩ toàn quân.
5 năm sau, TCT 28 tiếp tục được giao nhiệm vụ sản xuất vải màu xanh ô liu cho sĩ quan. TCT đã khẩn trương nghiên cứu, thử nghiệm và chọn được hai mẫu vải đáp ứng đầy đủ các yếu tố cần thiết trong điều kiện hoạt động quân sự. Kết quả này giúp quân đội hoàn toàn chủ động trong sản xuất quân trang cho bộ đội, chấm dứt sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. TCT 28 trở thành đơn vị duy nhất sản xuất được vải chất lượng cao may quân phục K03, K08 cho quân đội và may trang phục cho ngành công an…
Sáng tạo, đột phá chinh phục thị trường
Bên cạnh sản xuất hàng quốc phòng, TCT 28 luôn tích cực mở rộng thị trường, sản xuất hàng phát triển kinh tế. Ngay từ năm 1987, đơn vị đã xuất khẩu lô hàng quần âu đầu tiên sang Singapore. Đây là tiền đề quan trọng, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Xí nghiệp 28 lúc bấy giờ. Nối tiếp thành công đó, xí nghiệp đã tìm kiếm và ký được những đơn hàng có giá trị lớn với Liên Xô, Tiệp Khắc.
Tuy nhiên, năm 1991, sự sụp đổ mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như xuất khẩu, khiến Công ty 28 mất đi thị trường xuất khẩu quan trọng. Để tồn tại và phát triển, bên cạnh sản xuất hàng quốc phòng, Công ty 28 đã đẩy mạnh tìm kiếm thị trường khu vực châu Á, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Công… và một số nước Tây Âu. Nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng, Công ty 28 xây dựng hai nhà máy mới là Xí nghiệp 1 (nay là Công ty Cổ phần 28.1) và Xí nghiệp 2 (nay là Công ty Cổ phần 28 Hưng Phú) với thiết bị hiện đại nhất lúc bấy giờ, chuyên sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường EU và Nhật Bản. Thời gian này, công ty cũng tìm kiếm được khách hàng lớn là Hugo Boss để hợp tác sản xuất áo sơ mi nam cao cấp cho Hugo Boss xuất khẩu vào thị trường EU…
Những năm gần đây, với tầm nhìn chiến lược vượt trội và những sáng tạo mang tính đột phá, đón đầu xu hướng phát triển, TCT 28 đã thành lập Trung tâm Thời trang (nay là Công ty Kinh doanh thời trang), mở rộng thị trường nội địa, tập trung phát triển dòng sản phẩm thời trang nam cao cấp Belluni. Các thiết kế của Belluni mang phong cách trẻ trung, năng động, màu sắc trang nhã, đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng là doanh nhân, công chức, nhân viên văn phòng, người làm kinh doanh. Thương hiệu thời trang Belluni đã mang lại thành công vượt bậc, là một trong 5 thương hiệu mạnh toàn quốc và vinh dự nhận giải thưởng Thương hiệu được khách hàng tín nhiệm-Consumer Choice Brand năm 2018… Từ thành công ấy, TCT 28 đã tự tin mở rộng thị trường, phát triển hơn 100 cửa hàng kinh doanh thời trang Belluni ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước…
Nhìn lại chặng đường 45 năm qua, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động TCT 28 đã ghi dấu ấn thương hiệu dệt may của Bộ đội Cụ Hồ, trở thành doanh nghiệp có tiềm lực mạnh nhất trong ngành hậu cần quân đội, hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con, sản xuất kinh doanh đa ngành; là một trong 5 doanh nghiệp dệt-may hàng đầu Việt Nam; kim ngạch xuất khẩu của TCT đạt hơn 150 triệu USD/năm (trong đó, thị trường Mỹ chiếm 50%, các nước EU chiếm 40%, Nhật Bản 10%), xuất khẩu cho các thương hiệu nổi tiếng, như: Hugo Boss, Pery Ellis, Owen... Những kết quả đó góp phần khẳng định vị thế, thương hiệu của TCT 28 tại thị trường trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động mà Đảng, Nhà nước trao tặng.
PV