Tổng Công ty CP Sông Hồng (mã CK: SHG) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hà Nội (HNX) giải trình về việc năm 2018 công ty ghi nhận khoản lỗ hợp nhất tới 387,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 55,6 tỷ đồng năm 2017.

Theo giải trình của Tổng Công ty CP Sông Hồng, nguyên nhân tăng lỗ là do trong năm 2018, công ty này phát sinh khoản lãi vay quá hạn của dư nợ gốc 191 tỷ đồng, số tiền lãi phạt quá hạn là 87 tỷ đồng.

Tổng Công ty CP Sông Hồng giải trình khoản lỗ hơn 387 tỷ đồng năm 2018 - Hình 1

Trụ sở Tổng Công ty CP Sông Hồng 

Bên cạnh đó, trong năm 2018, công ty còn phát sinh khoản trích lập bổ sung dự phòng trả dài hạn nghĩa vụ nợ Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo bản án phúc thẩm của TAND TP. Hà Nội số tiền là 238 tỷ đồng và các khoản trích lập dự phòng công nợ phải thu và các đầu tư tài chính.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 đã được kiểm toán, đơn vị kiểm toán đã đưa ra vấn đề nhấn mạnh việc lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu tới hàng trăm tỷ đồng, kết quả kinh doanh năm 2017, 2018 âm, công với việc nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn...

Trong quý 1/2019, doanh nghiệp này ghi nhận khoản doanh thu thuần 15,9 tỷ đồng, tăng hơn 3,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng cũng tăng lên xấp xỉ 14,7 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng.

Trong quý vừa qua, chi phí lãi vay của Tổng Công ty CP  Sông Hồng tăng đột biến lên mức 21,3 tỷ đồng, so với mức 6,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng ở mức 4,5 tỷ đồng. Với gánh nặng chi phí lãi vay, kết quả, Tổng Công ty Sông Hồng tiếp tục ghi nhận lỗ ròng hơn 23 tỷ đồng trong quý 1/2019, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến cuối kỳ kế toán lên 915 tỷ đồng.

Tổng Công ty CP Sông Hồng được thành lập năm 1958, được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng. Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM từ 2015, hiện nay Bộ Xây dựng vẫn còn nắm giữ 73,2% vốn.

Tổng Công ty CP Sông Hồng nằm trong danh mục những tổng công ty có khối tài sản lớn, diện tích đất rộng và nhiều lao động mà Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm túc chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn.

Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn giai đoạn 2017-2020 ban hành vào tháng 8/2017, Bộ Xây dựng phải thoái toàn bộ vốn khỏi Sông Hồng trong năm 2017. Với tình cảnh thua lỗ triền miên của Tổng Công ty CP Sông Hồng hiện nay, công cuộc thoái vốn có lẽ sẽ còn kéo dài.

Hằng Vương