Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18/4/2019, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu nhiên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, ngày 23/4, Ủy ban này dự kiến sẽ làm việc với Bộ GD&ĐT cùng Bộ Công an liên quan đến những vấn đề tiêu cực, gian lận thi cử tại các tỉnh miền núi phía Bắc (Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình).

Liên quan đến các vụ gian lận điểm thi tại 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Bộ GD&ĐT cho biết, đến nay, đã có 108 thí sinh thuộc 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình được xác định là được nâng điểm so với điểm thực. Đáng chú ý, đa số thí sinh gian lận, nâng điểm đều nộp hồ sơ vào các trường công an và quân đội.

Vụ gian lận điểm thi: Bộ GD&ĐT, Bộ Công an sẽ giải trình kín - Hình 1

Trụ sở của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La

Cụ thể, tại tỉnh Sơn La, kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định khẳng định, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố ban đầu.

Một số cơ quan báo chí cũng đã công bố danh sách nghề nghiệp và công việc của phụ huynh 21 thí sinh Sơn La được nâng khống điểm. Qua danh sách này cho thấy, nhiều người trong số họ nắm giữ các chức vụ quan trọng trong tỉnh.

Điều dư luận quan tâm khi báo chí lần lượt công bố danh sách các thí sinh gian lận cho thấy, đa số đều là con cái hàng loạt cán bộ, lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị ở địa phương.

Liên quan đến tiêu cực trong thi cử ở các địa phương, các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can do về các tội danh khác nhau liên quan tới vụ gian lận thi cử tại 3 tỉnh thành (Sơn La 8 người; Hòa Bình 3 và Hà Giang 5). Tuy nhiên, dư luận đặt ra câu hỏi về việc xử lý đối với các phụ huynh các thí sinh được nâng/ mua điểm trong kỳ thi vừa qua.

Hằng Vương