Theo đó, nhằm tăng cường quản lý chất thải nhựa từ trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, ngày 22/7/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.
Trước đó, ngày 02/8/2021, Bộ Giao thông vận tải có công văn số 7867/BGTVT-MT triển khai đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam tới các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Đồng thời, thực hiện công văn số 7867/BGTVT-MT ngày 02/8/2021 của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:
Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi nilông khó phân hủy, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn, …); không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa, ... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý.
Ban hành và thực hiện quy định, quy chế trong cơ quan, văn phòng, công sở để hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong tổ chức sự kiện và hoạt động thường nhật.
Thực hiện tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người 2 dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường.
Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý chất thải nhựa trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thu gom, tái chế chất thải nhựa thành nhiên liệu, vật liệu xây dựng, giao thông; đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng và tái sử dụng chất thải nhựa trong các công trình giao thông.
Định kỳ hàng năm gửi báo cáo kết quả thực hiện về Tổng cục Đường bộ Việt Nam (qua Vụ KHCN, MT & HTQT) trước ngày 20/11 để tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải.
Thuận Yến – Thùy Linh