Trong tháng 10/2018, doanh thu của ngành bán lẻ đạt gần 286,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44,3 nghìn tỷ đồng; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,3 nghìn tỷ đồng; doanh thu dịch vụ khác đạt 44,1 nghìn tỷ đồng.

Tổng thể trong 10 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Đối với doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng năm nay đã đạt con số 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm 75,3% tổng mức và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 13%; may mặc tăng 12,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 11,6%; phương tiện đi lại tăng 11,6%.

Ngoài ra, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong 10 tháng năm 2018 ước tính đạt 440,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,2% tổng mức và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 33,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 15,6% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 420 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Hãng tư vấn A.T. Kearney cũng đánh giá, Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á và là miếng mồi béo bở đối với các nhà đầu tư. Trên thực tế, đã có rất nhiều ông lớn nước ngoài đã đầu tư hoặc đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.

Trong tháng 10/2018, ngành bán lẻ chứng kiến vụ mua bán, sáp nhập quy mô lớn trên thị trường. Theo đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup đã hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi Fivimart gồm 23 siêu thị từ Công ty Cổ phần Nhất Nam. Hành động này cho thấy quyết tâm trong việc giành thị phần của các nhà bán lẻ của các ông lớn, bởi hiện nay khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam đang thuộc về doanh nghiệp nước ngoài.

Hằng Vương