Theo đó, Tổ công tác sẽ do lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam làm Tổ trưởng, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới làm Tổ phó và mời đại diện Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải địa phương tham gia khi thực hiện kiểm tra, rà soát tại đơn vị đăng kiểm.
Cụ thể, từ ngày 01/01 – 31/12/2023, Tổ công tác thực hiện các nhiệm vụ: kiểm tra, rà soát hoạt động của các đơn vị đăng kiểm trên phạm vi toàn quốc, gồm: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các đơn vị; điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định.
Đồng thời, rà soát và đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện thể chế, quy định để khắc phục sơ hở, bất cập nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; nhận diện từng khâu, vị trí công việc tiềm ẩn, dễ phát sinh tiêu cực và giải pháp phòng ngừa.
Nội dung kiểm tra, rà soát gồm: Hồ sơ về điều kiện hoạt động của đơn vị đăng kiểm; điều kiện nhân sự; công tác tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên; trang thiết bị và việc thực hiện kiểm định xe cơ giới; hoạt động quản lý, sử dụng và lưu trữ dữ liệu kiểm định;
Công tác thu, nộp và quản lý, sử dụng phí bảo trì đường bộ; quản lý, sử dụng phôi ấn chỉ đăng kiểm được cấp phát; các nội dung khác thuộc chức, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Tổ công tác xem xét, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới theo quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP; trường hợp vượt thẩm quyền thì ghi nhận vào biên bản và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Việc lập tổ công tác kiểm tra, rà soát tổng thể hoạt động kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc triển khai xuyên suốt trong năm 2023 là biện pháp quan trọng trong việc siết chặt quản lý đối với hoạt động các trung tâm đăng kiểm.
Đây là hành động cần thiết và cần được thực hiện quyết liệt nhằm đảm bảo công tác kiểm định minh bạch, khách quan, nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, tránh tiêu cực, nhũng nhiễu.
Phong Vân (t/h)