Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2019, XK của Việt Nam đạt 241,7 tỷ USD, NK đạt 230,7 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch XNK đạt con số 472 tỷ USD.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay: Với đà XNK năm 2019 trung bình 43 tỷ USD/tháng, theo tính toán của Bộ Công thương, nửa sau tháng 12/2019, XNK sẽ cán mốc 500 tỷ USD. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, thương mại toàn cầu giảm tốc, cộng với XK của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước…, con số trên đạt được là kết quả đáng khích lệ.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đưa ra phân tích cụ thể hơn dưới góc nhìn so sánh: Trước bối cảnh giảm sút trong tổng cầu của kinh tế thế giới, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm (theo Tổ chức Thương mại thế giới , trong 10 tháng năm 2019, XK của Thái Lan giảm 2,1%; Indonesia giảm 7,86%; Malaysia giảm 4,07%; Singapore giảm 5,67%; Nhật Bản giảm 4,49%; Hàn Quốc giảm 10,37% và Trung Quốc giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước), XK hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng năm 2019 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng.

Tổng kim ngạch XK 11 tháng năm 2019 tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 và 2017 (tăng tương ứng 14,6% và 22,1%) nhưng cơ bản đã bám sát chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội là XK tăng 7- 8% trong năm 2019. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá, điều này cho thấy nỗ lực rất lớn của chúng ta trong việc khai thác thị trường, thúc đẩy XK và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm.

Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cũng nhìn nhận, với tình hình tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại thế giới đều khó khăn như năm nay, đạt được tổng kim ngạch XNK 500 tỷ USD với mức xuất siêu cao là kết quả ấn tượng của Việt Nam.

Theo Bộ Công thương, một trong những thành tích đáng kể của XK hàng hóa là quy mô XK tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 11/2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng XK trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD). Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng XK không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp.

Cụ thể, trong khi XK nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,2%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 9,8%, qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng XK chung. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,43% tổng kim ngạch XK, cao hơn mức 82,9% của năm 2018 và 81% của năm 2017.

H.K