Quang cảnh buổi hội nghị
Quang cảnh buổi hội nghị.

Diễn ra tại buổi hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, quyết định dành kinh phí trên 1,5 tỉ đồng để tổ chức một số đợt thăm hỏi, động viên tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, dự kiến có 1.550 suất với trị giá 1.000.000 đồng/suất sẽ đến tay người lao động, đồng thời cán bộ, công nhân, viên chức của 10 bệnh viện đang bị cách ly phong tỏa cũng được hỗ trợ, mỗi đơn vị 100 triệu đồng.

Cụ thể, LĐLĐ các tỉnh, thành phố và công đoàn ngành chủ động trích kinh phí đi thăm, động viên các đơn vị có đoàn viên công đoàn nơi tuyến đầu chống dịch trên địa bàn như: bệnh viện dã chiến, công an, quân đội, khu cách ly tập trung đông công nhân lao động… tối đa 50 triệu đồng/đơn vị/đợt dịch.

Báo cáo nhanh tình hình tham gia phòng chống dịch của các cấp công đoàn, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Ban Quan hệ Lao động cho biết, hiện nay tình hình dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo báo cáo từ các cấp Công đoàn, đến 20h ngày 16.5, đã có 366 ca dương tính là công nhân lao động các doanh nghiệp và Khu công nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố, gồm: T P. Hà Nội: 7 ca; Bắc Giang: 310 ca; Bắc Ninh: 11 ca; Hưng Yên: 1 ca; Phú Thọ: 1 ca; Đà Nẵng: 36 ca.

Theo Ông Nguyễn Văn Bắc, phó chủ tịch LĐLĐ Bắc Giang, kiến nghị doanh nghiệp thực hiện chi trả 70% lương, hoặc áp dụng tính ngày nghỉ phép năm để đảm bảo thu nhập của người lao động bị cách ly không thấp hơn lương tối thiểu vùng.

Ông Nguyễn Văn Bắc cho biết thêm "Hiện nay, xe đưa đón công nhân ở xa đến các khu công nghiệp để làm chỉ đưa đón được 50% công suất do phải thực hiện giãn cách, số còn lại phải tự đi bằng xe máy tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc thuê nhà trọ ở các khu công nghiệp rất khó khăn. Đề nghị tổng liên đoàn đẩy nhanh tiến độ làm thiết chế để có nhà ở cho công nhân thuê, giảm bớt khó khăn trong việc đi lại".

Bên cạnh đó, chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang yêu cầu công đoàn các cấp tuyệt đối không được lơ là, thực hiện nghiêm túc những phương án mà cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo; phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, đảm bảo năng suất lao động nhưng vẫn an toàn, hiệu quả. Cả hệ thống công đoàn cần quyết liệt tham gia phòng, chống dịch, chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn. 

Đồng thời, các Liên đoàn Lao động tỉnh, TP, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, nhất là tại 6 địa phương đang có công nhân lao động dương tính với Sars-CoV-2 cũng tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động công nhân lao động thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, nhất là việc đeo khẩu trang tại nơi làm việc, nơi cộng cộng và khai báo y tế đầy đủ, thường xuyên. 

Thuận Yến – Thùy Linh