Phát biểu tại Diễn đàn Tuần lễ năng lượng Nga, ngày 27/9, Tổng thống Vladimir Putin cho hay, các quốc gia thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đang cùng nhau phát triển một khuôn khổ thanh toán riêng để sử dụng cho hoạt động giao dịch thương mại trong khối.

Ảnh minh họa: Shutterstock

Iran có thể thay thế hệ thống thanh toán SWIFT bằng hệ thống thanh toán điện tử BRICS Pay sau khi gia nhập BRICS. Ảnh minh họa: Shutterstock

Tổng thống Putin nhấn mạnh, việc cung cấp dầu khí của Nga cho các "quốc gia thân thiện" giúp đất nước đảm bảo sự ổn định kinh tế và cạnh tranh thành công hơn trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo thừa nhận, vẫn còn "một số khó khăn nhất định" khi các quốc gia nước ngoài thanh toán cho năng lượng của Nga.

Cụ thể, đất nước đã bị loại khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT - một phần của lệnh trừng phạt toàn diện mà phương Tây áp đặt đối với Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

"Là một phần trong hợp tác với các quốc gia BRICS, chúng tôi đang nỗ lực tạo ra hệ thống thanh toán và giao dịch của riêng mình", ông Putin tiết lộ.

Ảnh vnmedia.vn
Tổng thống Nga nói gì về khuôn khổ thanh toán riêng của BRICS. Ảnh vnmedia.vn

Theo người đứng đầu nước Nga, điều này sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên hoạt động thương mại hiệu quả và độc lập. Phía Moscow tích cực chuyển sang sử dụng tiền tệ quốc gia trong giao dịch với các nước BRICS.

Tổng thống Putin khẳng định: "Các đối tác của chúng tôi cực kỳ quan tâm đến điều này".

Về tỷ trọng đồng Ruble, ông cho hay, trong các hoạt động thương mại nước ngoài, việc sử dụng nội tệ Nga đã tăng gần gấp 3 lần trong giai đoạn 2021-2023. Nửa đầu năm 2024, tỷ trọng này đạt 39,4%.

Moscow sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan từ ngày 22-24/10.

BRICS ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đầu năm nay, Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chính thức trở thành thành viên mới của nhóm.

Theo RT