Tổng thống Putin ký sắc lệnh trả đũa đòn trừng phạt của phương Tây - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Getty).

Theo thông báo trên trang web của Điện Kremlin hôm nay 3/5, sắc lệnh mới "nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga trước các hành động không thân thiện và vi phạm luật pháp quốc tế của Mỹ và các đồng minh, nhằm tước đoạt bất hợp pháp tài sản của Liên bang Nga và các pháp nhân Nga".

Tổng thống Putin đã cho nội các, gồm các Bộ trưởng Nga, 10 ngày để xác định danh sách những cá nhân sẽ bị áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Các biện pháp trừng phạt mới cấm các cơ quan chính phủ, tổ chức và cá nhân "thực hiện các giao dịch (bao gồm ký kết hợp đồng thương mại) với các pháp nhân, cá nhân và tổ chức" trong danh sách trừng phạt.

Lệnh trừng phạt của Nga cũng cấm xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu thô từ Nga đến các cá nhân và thực thể bị trừng phạt.

Các thực thể và công dân Nga cũng bị cấm thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng hay ký kết các giao dịch tài chính với các công ty và cá nhân bị trừng phạt.

Động thái của Nga diễn ra sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt làn sóng trừng phạt kinh tế chưa từng có tiền lệ đối với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự ở Ukraine. Trong vòng chưa đầy 2 tháng, Nga đã trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới.

Tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga cùng nhiều tổ chức và doanh nhân khác đã bị đóng băng ở nước ngoài. Nga cũng bị cô lập khỏi thị trường tiền tệ do đồng USD và đồng Euro thống trị, trong khi một loạt doanh nghiệp nước ngoài ngừng giao dịch với Nga.

Sau lệnh cấm vận năng lượng đối với Nga do Mỹ và Anh khởi xướng, EU cho biết họ sẽ giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay và loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030. Ngoài ra, phương Tây loại trừ các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và thu hồi quy chế "tối huệ quốc" của Nga, khiến nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng ảm đạm chưa từng có.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, liên minh châu Âu EU đã tung ra 5 gói trừng phạt chống lại Moscow và đang cân nhắc gói thứ 6. Các lệnh hạn chế này đã nhằm vào nhiều lĩnh vực của kinh tế Nga.

Moscow nhiều lần thừa nhận các lệnh trừng phạt đã gây ra khó khăn với Nga. Theo báo cáo của truyền thông phương Tây, nền kinh tế Nga có thể sụt giảm 1/3 trong năm nay. Ngay cả khi Nga chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự tại Ukraine, nước này được cho là sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi nền kinh tế.

Theo dantri.com.vn