Một cuộc biểu tình phản đối sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump ở New York, tháng 6/2017 - Ảnh: Reuters.
Hãng tin Reuters cho biết, động thái này của Tòa án Tối cao Mỹ diễn ra bất chấp các tòa án cấp dưới tiếp tục có hành động pháp lý chống lại sắc lệnh của người đứng đầu Nhà Trắng.
Trong số 9 thẩm phán của Tòa án Tối cao, có 2 thẩm phán theo trường phái tự do không đồng tình với quyết định trên. Tuy nhiên, với 7 phiếu thuận, Tòa án Tối cao đã gỡ bỏ hai phán quyết trước đó của tòa án cấp dưới về hạn chế một phần sắc lệnh.
Đây là phiên bản thứ ba của sắc lệnh hạn chế nhập cảnh mà Tổng thống Trump đưa ra. Phiên bản đầu tiên đã được đưa vào thực thi 1 tuần sau khi ông Trump nhậm chức hồi tháng 1, song bị chặn lại ngay sau đó. Phiên bản thứ hai của sắc lệnh đã hết hạn vào tháng 9 sau một cuộc đấu pháp lý dai dẳng và được thay thế bởi phiên bản hiện tại.
Với phán quyết của tòa thượng thẩm, sắc lệnh giờ đây sẽ được thực thi đầy đủ, với đối tượng chịu tác động trực tiếp là công dân từ Chad, Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen muốn nhập cảnh vào Mỹ.
Ông Trump lập luận rằng hạn chế nhập cảnh là biện pháp cần thiết để bảo vệ nước Mỹ khỏi chủ nghĩa khủng bố của các phần tử phiến quân Hồi giáo. Ngay từ khi còn là một ứng cử viên Tổng thống trong bầu cử năm 2016, ông Trump đã tuyên bố sẽ "cấm cửa" người Hồi giáo để bảo vệ nước Mỹ.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Jeff Sessions gọi phán quyết của Tòa án Tối cao là "một chiến thắng quan trọng vì sự an toàn và an ninh của người Mỹ".
Sắc lệnh hạn chế nhập cảnh phiên bản thứ ba của ông Trump bị kiện bởi bang Hawaii và tổ chức American Civil Liberties Union. Đơn kiện cho rằng cũng giống như hai phiên bản trước, sắc lệnh này là một sự phân biệt đối xử đối với người theo đạo Hồi và vi phạm Hiến pháp Mỹ.
Sắc lệnh trên cũng có hiệu lực đối với người mang hộ chiếu Triều Tiên và một số quan chức Venezuela, nhưng các toàn án cấp dưới đã cho phép những điều khoản này được thực thi.
Bình Minh - vneconomy