THCL Tính từ đầu năm đến ngày 20/7, cả nước có 1.408 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép mới, với số vốn trên 8.695 triệu USD, tăng 25,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Cấp mới 1.408 dự án FDI
Theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến nay, số dự án FDI được cấp phép mới tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, có 660 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn, với số vốn tăng thêm đạt trên 4.245 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 12.940 triệu USD, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 7 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới lớn nhất với 5.626 triệu USD, chiếm 64,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986,2 triệu USD, chiếm 11,3%; các ngành còn lại đạt 2.083 triệu USD, chiếm 24%.
Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước đến nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến đạt gần 9.122 triệu USD, chiếm 70,5% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 956,8 triệu USD, chiếm 7,4%; các ngành còn lại đạt 2.861,8 triệu USD, chiếm 22,1%.
Cả nước có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 7 tháng qua. Trong đó, Hải Phòng có số vốn đăng ký lớn nhất với gần 1.840 triệu USD, chiếm 21,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hà Nội trên 950 triệu USD, chiếm 10,9%; Bình Dương 803,3 triệu USD, chiếm 9,2%; Đồng Nai gần 711 triệu USD, chiếm 8,2%; Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Tiền Giang chiếm từ 3,8 đến 7,4%...
Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với gần 3.270 triệu USD, chiếm 37,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Singapore trên 1.115 triệu USD, chiếm 12,8%; Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) trên 755 triệu USD, chiếm 8,7%; Đài Loan (Trung Quốc) 584,5 triệu USD, chiếm 6,7%; Nhật Bản 543,8 triệu USD, chiếm 6,3%; Trung Quốc 393,3 triệu USD, chiếm 4,5%.
Sẽ kiểm tra đột xuất các dự án FDI
Thông tư số 09/2016/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 30/06/2016 và có hiệu lực từ ngày 14/08/2016, hướng dẫn về công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ có 3 hình thức kiểm tra: Kiểm tra định kỳ; kiểm tra đột xuất; kiểm tra chuyên ngành đối với tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá hoạt động đầu tư nước ngoài nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về quản lý tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài; bảo đảm quá trình đầu tư của dự án được tuân thủ theo các quy định của pháp luật; phát hiện những vấn đề bất hợp lý, các vi phạm trong việc tổ chức thực hiện để kịp thời chấn chỉnh hoặc kiến nghị việc điều chỉnh pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Nội dung kiểm tra tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài: Tiến độ góp vốn điều lệ, vốn đầu tư; tình hình góp vốn pháp định (đối với ngành có quy định vốn pháp định); tổng vốn đầu tư thực tế so với tổng vốn đầu tư đăng ký; tiến độ triển khai dự án; việc thực hiện các mục tiêu đầu tư của dự án; việc thực hiện và chuyển giao công nghệ theo cam kết của dự án (nội dung công nghệ, hiệu quả chuyển giao công nghệ, việc lắp đặt máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư); việc thực hiện các cam kết và đáp ứng điều kiện đầu tư, đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của nhà đầu tư khi dự án đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, kiểm tra việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước…); việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động; thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang bảng lương; đăng ký nội quy lao động với cơ quan có thẩm quyền; việc thực hiện các chế độ, chính sách về hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm khác… đối với người lao động…
Đồng thời kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý ngoại hối, về đất đai, thuê đất, sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường; về tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài…
Hoan Nguyễn