Được biết, trong số các doanh nghiệp này, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như sản xuất công nghiệp (dệt may, giày da), vận tải, dịch vụ thương mại (du lịch, nhà hàng, khách sạn…).

Tổng số tiền mà các doanh nghiệp được tạm dừng đóng BHXH đến ngày 10/8 là trên 391,5 tỉ đồng. Trong số này, có nhiều doanh nghiệp được tạm dừng đóng BHXH trên 2 tỉ đồng, thậm chí có doanh nghiệp được tạm dừng đóng gần 6 tỉ đồng.

Trao đổi trước báo giới, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết: “Trong số các doanh nghiệp được giải quyết tạm dừng đóng BHXH, có một số doanh nghiệp thông báo tiếp tục tạm dừng đóng BHXH đến tháng 12/2020. Tuy nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp đã đóng BHXH trở lại.

Từ đây đến cuối năm, nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện được gia hạn việc tạm dừng đóng BHXH thì vẫn sẽ được giải quyết. Theo thống kê, các doanh nghiệp được tạm dừng đóng BHXH tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như dệt may, giày da, vận tải, dịch vụ thương mại du lịch, nhà hàng, khách sạn…”.

Cũng theo ông Mến cho biết, việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 rơi vào các DN có từ 50% số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc hoặc bị giảm trên 50% nguồn thu nhập của doanh nghiệp.

Trong thời gian tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất, các doanh nghiệp vẫn phải đóng đầy đủ quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn - bệnh nghề nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Nếu kết thúc thời gian tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, doanh nghiệp sẽ đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng trước đó và không bị tính lãi.

Nguyễn Tùng