Theo quyết định trên, từ ngày 1/1/2022, phí bảo vệ môi trường được thay bằng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Nghĩa là người dân TP. HCM sẽ đóng "phí thoát nước" thay vì phí bảo vệ môi trường như hiện nay.
Người dân đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.
Lộ trình thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính trên giá nước cấp như sau: Năm 2022 là 15%, năm 2023 là 20%, năm 2024 là 25%, năm 2025 là 30%.
Như vậy, đến năm 2025, ví dụ một hộ gia đình mỗi tháng sử dụng hết 1 triệu đồng tiền nước sẽ phải đóng thêm khoảng 400.000 tiền thuế phí, bao gồm 30% giá thoát nước và 10% thuế VAT.
Đối tượng áp dụng gồm: Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước, nguồn tiếp nhận (nguồn tiếp nhận là các nguồn nước chảy thường xuyên hoặc định kỳ như sông suối, kênh rạch, ao hồ, đảm phá, biển, các tầng chứa nước dưới đắt) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng phương án thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Giá thu không được thấp hơn mức thu của các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
Về phương thức thu, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) sẽ căn cứ vào khối lượng nước tiêu thụ hàng tháng của hộ dân thông qua hóa đơn.
Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại 1% để dành chi trả cho dịch vụ đi thu; đóng các loại thuế và nghĩa vụ tài chính (nếu có). Phần còn lại nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước...
Nguyễn Tùng