Tuy nhiên, các nhà thầu đã tranh thủ thi công và việc triển khai thực hiện các gói thầu của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ga bến xe, bao gồm hạ tầng kỹ thuật toàn khu, phần nhà ga và bãi xe, hệ thống thoát nước và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2018.

Các gói thầu thi công xây lắp phần thân và hoàn thiện; cung cấp, lắp đặt thiết bị dự kiến hoàn thành vào ngày 31/12. Dự kiến, Bến xe Miền Đông mới sẽ đưa vào hoạt động một số tuyến đầu tiên vào tháng 1/2019.

TP.HCM: Bến xe Miền Đông mới sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2019 - Hình 1

Khi đưa vào hoạt động đầu năm 2019 tới, bến xe Miền Đông mới sẽ "hút" khách từ bến xe Miền Đông cũ.

Theo đó, giai đoạn 1 nhà ga bến xe Miền Đông mới, được xây dựng với kết cấu gồm 2 tầng hầm và 4 tầng nổi. Toàn bộ công trình bến xe được thiết kế theo kiến trúc hiện đại, trở thành bến xe lớn nhất nước và là một trong những bến xe hiện đại của khu vực Đông Nam Á.

Trong giai đoạn đầu, khi bến xe Miền Đông mới đi vào hoạt động, một số tuyến liên tỉnh từ TP.HCM đi các tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung sẽ được di dời từ bến xe Miền Đông cũ ở trung tâm TP.HCM ra.

Vị trí xây bến xe Miền Đông mới nằm trên tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM với các tỉnh phía bắc là xa lộ Hà Nội. Bến xe cũng nằm gần nhà ga của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), đồng thời kết nối với nhiều loại hình giao thông như xe buýt, xe khách từ TP.HCM đi Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu. Tại bến xe còn có các tiện ích khác như khu vực sửa chữa, trạm tiếp nhiên liệu… Tổng kinh phí đầu tư 773 tỷ đồng.

Bến xe Miền Đông mới sẽ phục vụ cho khoảng 7 triệu lượt hành khách/năm, với 21.000 - 52.000 lượt hành khách/ngày. Mỗi ngày có khả năng đón từ 1.200 - 1.800 lượt xe xuất bến.

Còn bến xe Miền Đông cũ sau khi chuyển hết hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh ra Bến xe Miền Đông mới sẽ được bố trí làm bến cho xe buýt và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, bến xe mới nằm giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương, được kỳ vọng giữ vai trò đầu mối giao thông trọng yếu trong hệ thống giao thông vận tải.

Ngoài xe khách liên tỉnh, bến xe mới sẽ có nhiều phương thức vận tải hành khách công cộng để phục vụ việc chuyển tiếp hành khách vào trung tâm TP và các đô thị vệ tinh như tuyến metro số 1, tuyến xe buýt nhanh đi TP mới Bình Dương và các tuyến xe buýt, taxi đưa đón khách, kết nối thuận tiện giữa phương thức vận tải giữa TPHCM với các đô thị vệ tinh.

Ngoài chức năng chính là cung cấp dịch vụ vận tải, bến xe Miền Đông mới còn có chức năng là trung tâm thương mại, khu vui chơi cho trẻ em, khu giải trí, rạp chiếu phim và khu vực ẩm thực.

Theo các chuyên gia đánh giá, việc một số hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng tại các cửa ngõ của TP như BV Ung Bướu mới, Bến xe Miền Đông mới, BV Nhi đồng TPHCM, tuyến metro... là nền tảng quan trọng để TPHCM xây dựng và phát triển đô thị vệ tinh, giảm áp lực gia tăng dân số ở các quận trung tâm.

Việc hình thành tuyến metro số 1 Bến Thành - Tham Lương hay Bến xe Miền Đông sẽ góp phần hình thành các khu đô thị mới dọc theo những “trục” này... Ngược lại, khi có nhiều dự án xung quanh các trục này phát triển, sẽ tạo cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát huy hiệu quả tốt nhất.

Theo ghi nhận, tại công trường xây dựng BXMĐ mới, khu vực nhà ga chính và bãi xe đang dần thành hình. Khu vực này đã hoàn thành phần đóng cọc và đang thi công dầm móng, vách, sàn tầng hầm nhà ga và bãi chờ tài. Đồng thời, các đơn vị cũng đang lắp đặt hệ thống ống luồn cáp điện, cấp nước và hệ thống chiếu sáng. Riêng phần đất tiếp giáp giữa bến xe với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang bị rào chắn để thi công các hạng mục của tuyến metro.

Theo Samco, hiện chỉ còn một hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng và phía chủ đầu tư dự án cho biết đã kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND quận 9 khẩn trương bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất. "Khi mặt bằng trống hoàn toàn thì các hạng mục liên quan sẽ được đẩy nhanh tiến độ một cách dễ dàng" - chủ đầu tư cho biết và thông tin thêm trong 4 tuyến đường nằm trong ranh của tuyến metro số 1 là F1, F2, F3 và F4 từ bến xe kết nối với xa lộ Hà Nội, hiện tuyến F3 đã được bàn giao mặt bằng, đang được đào nền đường, lắp đặt hố ga và cống thoát nước. Những tuyến còn lại dự kiến đến tháng 6 mới có mặt bằng thi công.

Tại khu vực nhà ga chính và bãi xe của Bến xe Miền Đông mới đã hoàn thành phần đóng cọc; đang thi công dầm móng, vách, sàn tầng hầm nhà ga và bãi chờ tài

Theo Samco, hiện vấn đề tồn tại cần phải giải quyết ngay là công tác giao, thuê đất. Cụ thể, Samco cho hay phần đất công thuộc TP.HCM, Hội đồng Thẩm định giá đất TP chưa thông qua các phương án thẩm định giá và đang đề nghị các đơn vị liên quan bổ sung, tính toán lại một số chỉ tiêu trong chứng thư thẩm định.

Còn đối với phần đất thuộc tỉnh Bình Dương, Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh này đã thông qua chứng thư thẩm định giá nhưng lại phải chờ ý kiến từ Bộ Tài chính liên quan đến việc xác định giá đất cụ thể để cho thuê. Vì vậy, phía chủ đầu tư vẫn đang chờ tỉnh Bình Dương xác định chính thức giá đất để tránh phát sinh các vướng mắc, khiếu nại về sau.

Theo Samco, với tình hình như hiện nay, vấn đề đặt ra là làm thế nào BXMĐ mới hoạt động hiệu quả với mục tiêu trở thành bến xe liên tỉnh phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm, trong khi các loại hình giao thông công cộng khác chưa kết nối với bến xe.

Cụ thể, hiện tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) khó hoàn thành trước năm 2020, còn hệ thống xe buýt kết nối với bến xe cũng mới trong giai đoạn nghiên cứu để tổ chức lại. Trước thực tế trên, ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Samco, cho biết đơn vị đang nghiên cứu xây dựng phương án khai thác, vận hành khi BXMĐ mới sao cho hiệu quả nhất bằng 3 phương án và đã trình UBND TP.HCM xem xét trong việc khai thác bến xe mới.

Theo đó, phương án 1 là chuyển nhượng dự án cho Công ty BXMĐ. Tuy nhiên, theo Samco, phương án này sẽ phát sinh nhiều vấn đề liên quan tới điều chỉnh quy hoạch, tài chính, vốn điều lệ của Samco cũng như của Công ty BXMĐ. Mặt khác, Samco cho rằng phương án này sẽ tốn nhiều thời gian để làm theo các trình tự, thủ tục nên sẽ không bảo đảm tiến độ đưa BXMĐ mới vào hoạt động.

Phương án 2 mà Samco đưa ra là sẽ thuê Công ty BXMĐ cung cấp dịch vụ khai thác vận hành BXMĐ mới. Theo đó, chủ đầu tư là Samco sẽ thuê Công ty BXMĐ khai thác, vận hành bến mới như một loại hình dịch vụ và đơn vị được thuê sẽ nhận khoản phí dịch vụ đó, còn toàn bộ nguồn thu từ hoạt động khai thác của bến xe mới sẽ chuyển về Samco.

Phương án cuối cùng là cho Công ty BXMĐ thuê khai thác hạ tầng bến xe mới. Với phương án này, Samco cho rằng là khả thi nhất bởi Công ty BXMĐ là doanh nghiệp có 100% vốn thuộc Samco và công ty này cũng có năng lực, kinh nghiệm khai thác bởi vốn đang quản lý, vận hành BXMĐ hiện hữu.

Vì vậy, việc này cũng thuận lợi hơn trong quá trình điều chuyển luồng tuyến vận tải từ bến xe hiện hữu tới bến mới, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khai thác và vận hành. Nếu thực hiện theo phương án này, Samco cho biết giá thuê sẽ do tổng công ty này và Công ty BXMĐ tự thỏa thuận.

Hải Đăng