Theo kết luận thanh tra, Bến xe Miền Đông có doanh thu hoạt động chính đến từ bến, bốc xếp. Bến xe Miền Đông đã thực hiện việc thu tiền qua bến đối với các loại xe tham gia vận chuyển hành khách theo giá của UBND TP. HCM ban hành.
Báo cáo kết quả kinh doanh của Bến xe Miền Đông cho biết, trong 2 năm 2016 - 2017 doanh thu thuần của công ty đạt lần lượt 193,9 tỷ đồng và 202,7 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 103,2 tỷ đồng và 106,1 tỷ đồng; nộp ngân sách lần lượt 5,1 tỷ đồng và 5,9 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bến xe miền Đông lý giải việc để các xe sau khi đã vào bến rồi đi ra khỏi bến là do trong bến quá tải, đồng thời để cho các phương tiện về bãi của công ty để bảo dưỡng, vì vậy chỉ thu giá dịch vụ ra vào bến 1 lần
Năm 2016, tổng tài sản của Bến xe Miền Đông đạt hơn 153 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền 89 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng tài sản.
Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động xe ra vào bến đã có sai phạm, gây thất thoát ngân sách lớn. Chỉ riêng phí dịch vụ xuất bến, ước tính Bến xe Miền Đông đã để thất thoát doanh thu phí dịch vụ 8,6 triệu đồng/ngày trong giai đoạn kiểm tra ngẫu nhiên.
Cụ thể, Công ty Bến xe miền Đông ký hợp đồng khai thác dịch vụ tại Bến xe miền Đông với 199 đơn vị vận tải, với nhiều loại xe 16 - 50 chỗ ngồi. Các đơn vị vận tải đăng ký tuyến với Sở GTVT và khi ra vào bến phải nộp phí dịch vụ, mức phí dịch vụ theo quy định của UBND Thành phố, tùy theo số ghế của mỗi xe và cự ly vận tải hành khách. Giá thấp nhất là 3.100 đồng/ghế, cao nhất là 8.400 đồng/ghế.
Lực lượng Thanh tra TP. HCM đã chọn ngẫu nhiên 58 ngày trong các năm 2015, 2016, 2017 và nhận thấy số lượt xe xuất bến trong ngày nhiều hơn số lượt xe xuất bến được thu phí dịch vụ xuất bến. Chênh lệch số lượt xuất bến và số lượt thu phí dịch vụ xuất bến dao động 97 - 206 lượt/ngày. Tổng số lượt xe không thu phí dịch vụ khi xuất bến trong 58 ngày là 10.072 lượt.
Theo đơn giá thấp nhất là 3.100 đồng/ghế và đối với xe ít chỗ nhất là 16 chỗ thì phí dịch vụ của mỗi lần xe xuất bến là 49.600 đồng/lượt. Bình quân mỗi ngày có 174 lượt xe xuất bến không thu phí dịch vụ, Bến xe miền Đông đã để “thất thoát” hơn 8,6 triệu đồng/ngày. Như vậy, trong 58 ngày kiểm tra ngẫu nhiên, Bến xe miền Đông đã để “lọt” khoảng 0,5 tỷ đồng. Nếu kiểm tra hết 1.095 ngày của 3 năm nói trên thì số tiền thất thoát có thể sẽ rất lớn.
Đại diện Bến xe miền Đông cho rằng, Bến xe miền Đông quản lý 2.400 phương tiện mỗi ngày thì với mặt bằng hiện hữu không thể bố trí cho tất cả các phương tiện lưu đậu qua đêm, nên các phương tiện phải về bến bãi của công ty mình.
“Nếu bến xe không giải quyết cho các phương tiện ra cổng để đổ nhiên liệu, hoặc bảo dưỡng thì các xe chỉ được ở trong bến, do đó sẽ không đảm bảo được các điều kiện về kỹ thuật để vận chuyển hành khách. Tất cả các xe ra vào bến đều được ghi nhận qua camera và lưu vào hệ thống”, đại diện Bến xe miền Đông nói.
Cũng theo vị đại diện này, Bến xe miền Đông đã làm văn bản gửi Tổng cục đường bộ Việt Nam để hỏi việc cho xe ra khỏi bến như những trường hợp trên có đúng quy định hay không? Tại Văn bản 3407/TCĐBVN-VT ngày 11/6/2018, Tổng cục Đường bộ cho biết, theo quy định sau khi xe vào bến trả khách xong, bến xe hướng dẫn lái xe đưa phương tiện vào vị trí đỗ chờ đến khi đón khách đi tiếp. Tuy nhiên, thực tế đối với các xe có thời gian chờ lâu thường được bến cho ra đỗ ở ngoài hoặc giải quyết cho xe ra ngoài bến để thực hiện bảo dưỡng sửa chữa, rửa xe, đổ nhiên liệu… và chỉ cần vào lại bến trước thời gian vào lại vị trí đón khách là được.
“Trong trường hợp này, các bến xe chỉ tính là một lần xe ra, vào bến và chỉ thu giá dịch vụ xe ra, vào bến một lần”, đại diện Bến xe miền Đông dẫn văn bản nêu.
Hải Đăng