Nhằm kiếm giải pháp tổng thể và dự báo vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án đô thị thông minh tại Việt Nam, hội thảo đã trao đổi về các bài học kinh nghiệm trên thế giới. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội thảo toàn cảnh công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2017.
Ngoài ra, hội thảo góp phần giải quyết các câu hỏi: Thành phố thông minh có gì khác với thành phố hiện đại; các thành phố chưa hiện đại có thể xây dựng thành thành phố thông minh được không; việc hiện đại hóa và thông minh hóa một thành phố thực chất là một hay hai tiến trình song song...
GS. TS. Nguyễn Kỳ Phùng – Phó giám đốc Sở KH&CN TP. HCM, Viện trưởng Viện KH&CN tính toán
TP. HCM mỗi ngày có một lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra. Tốc độ tạo ra dữ liệu ngày càng tăng nhanh trong khi việc quản lý, khai thác chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả trong phạm vi nội bộ ngành, lĩnh vực, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ hoạt động, hỗ trợ ra quyết định. Đây là một thách thức trong việc xây dựng đô thị thông minh.
Theo GS. TS. Nguyễn Kỳ Phùng, Phố giám đốc Sở KH&CN TP. HCM, Viện trưởng Viện KH&CN tính toán, đánh giá: “Các bài tham luận tại Hội thảo sẽ giới thiệu các giải pháp chung cho đô thị thông minh với nhiều hướng tiếp cận khác nhau. Các đại biểu sẽ có thêm cái nhìn tổng quát về các giải pháp công nghệ đã và đang được nghiêm cứu và triển khai, và tiếp cận một hệ sinh thái công nghệ nhiều tiềm năng và cơ hội. Chúng tôi cũng hy vọng và đón nhận sự hợp tác trong tương lai của tất cả các đơn vị, các cấp quản lý, và các doanh nghiệp, tạo nên một nền tảng vững chắc để phát triển các đô thị thông minh trên cả nước”.
Toàn cảnh buổi hội thảo đô thị thông minh
Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP. HCM Lê Quốc Cường cho biết: “TP. HCM đã xác định xây dựng đô thị thông minh là nhiệm vụ quan trọng, hướng phát triển cùng với 7 chương trình đột phá thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhằm đạt được 4 mục tiêu cơ bản: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân".
Các mục tiêu này, sẽ phục vụ 3 đối tượng chính của đô thị:
Đối với chính quyền, đô thị thông minh sẽ tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đặt nền móng về kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu để gia tăng hiệu quả quản lý nhà nước trên các mặt và lĩnh vực hoạt động.
Đối với người dân, đô thị thông minh tăng cường sự tương tác giữa chính quyền với người dân, tăng cường tiện ích phục vụ cho người dân.
Đối với doanh nghiệp, đô thị thông minh sẽ tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động, qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Tuyết Nhung