Theo Sở Y tế, Thành phố là địa phương có mật độ dân số cao, nhiều khu vực có lưu lượng lưu thông lớn, tập trung đông người (nhà ga, bến xe, sân bay, khu công nghiệp, khu chế xuất).

Hiện nay, số lượng người trên 18 tuổi và người dân vãng lai thuộc đối tượng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của thành phố là 9 triệu người. Số lượng vắc xin phòng COVID-19 cần cung cấp để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng là 18 triệu liều.

Trong khi đó, theo kế hoạch được Bộ Y tế phê duyệt ngày 9/2 về việc tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vacxin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ, số lượng vacxin phòng COVID-19 được phân bổ cho TPHCM theo kế hoạch dự kiến không đủ đáp ứng nhu cầu của thành phố.

Vì vậy, thời gian qua, để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác phòng, chống dịch, Sở Y tế TPHCM đã phối hợp với các cơ sở kinh doanh dược tìm nguồn cung ứng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên.

Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Vaccine ngừa COVID-19 của Moderna. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo kết quả đàm phán, đại diện phân phối vắc xin của Công ty Moderma đồng ý cung cấp 5 triệu liều mRNA-1273 trong quý 3/2021 cho TPHCM.

Theo tài liệu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Công ty Moderna (Hoa Kỳ), vaccine mRNA-1273 có thể ngăn ngừa các ca nhiễm không triệu chứng sau mũi đầu tiên. Tỷ lệ hiệu quả của vaccine này là 94,1% trong số 30.000 người thử nghiệm.

Đối với người 65 tuổi trở lên, mức độ hiệu quả của vaccine này là 86%. Các tác dụng phụ phổ biến nhất gồm: sốt, nhức đầu, đau cơ và khớp.

Việc mua sắm vắc xin này sẽ dùng nguồn kinh phí được huy động từ nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động phòng, chống dịch; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tiếp nhận.

Thiên Trường