Theo đó, để triển khai, thành phố sẽ đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng logistics và cảng biển, tăng kết nối các trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại dịch vụ, phân phối của Đông Nam bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đầu tàu kinh tế này ưu tiên triển khai các dự án ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và sử dụng năng lượng tái tạo.

Tầm nhìn đến 2045, TP HCM muốn logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn, giá trị gia tăng cao và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Thời điểm đó, địa phương kỳ vọng trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ châu Á và thế giới.

TP HCM đặt mục tiêu thành trung tâm logistics tầm cỡ khu vực
TP HCM đặt mục tiêu thành trung tâm logistics tầm cỡ khu vực

TP HCM dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) cùng Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) và Dream Incubator (DI) công bố cuối năm ngoái.

Nơi đây có khoảng 9.600 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ logistics, chiếm 36,7% đơn vị ngành này cả nước. Về cơ sở hạ tầng, thành phố có cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với tần suất cất - hạ cánh cao nhất cả nước, xấp xỉ 260.000 lượt và hành khách đạt 42 triệu lượt (gấp rưỡi so với công suất khai thác thiết kế) vào 2023.

Với đường biển, Cát Lái là cảng biển lớn nhất cả nước với công suất 6,4 triệu TEU mỗi năm. Hàng hóa qua cảng này chiếm 85% tổng sản lượng các cảng phía Nam và 50% cả nước. TP HCM đang nghiên cứu xây dựng cảng Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lên tới 250.000 DWT (24.000 TEU), vốn đầu tư gần 5,5 tỷ USD.

Minh Đức (t/h)