Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM (giai đoạn 1) với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng của TP. HCM được khởi công từ tháng 6/2016.
Dự án bao gồm 6 cống kiểm soát triều lớn với khẩu độ từ 40 -160m là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định. Ngoài ra, dự án chống ngập do triều còn có hạng mục đê bao ven sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật đến Sông Kinh) dài 7,8km, bảo vệ các đoạn xung yếu, các cống nhỏ dưới đê với khẩu độ từ 1-10m.
Với mục tiêu chống ngập cho lưu vực rộng 570km2 của TP. HCM, dự án dự kiến hoàn thành vào dịp 30/4/2018, song đã không về đích đúng hẹn vì các địa phương chậm bàn giao mặt bằng. Dự án được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng- chuyển giao), UBND TP. HCM sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất.
Dự án chống ngập 10.000 tỷ vẫn "tắc" (Ảnh Phạm Hữu)
Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1” đã hoàn thành 72% khối lượng và buộc phải tạm dừng thi công từ 27/4/2018 đến nay do chưa giải ngân được một số hạng mục từ ngân hàng BIDV- Chi nhánh Nam Sài Gòn.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Trung Nam BT 1547, chưa giải ngân được là do UBND TP. HCM chưa ký xác nhận để thanh toán thông qua một Đơn vị Tư vấn giám sát hợp đồng về tính pháp lý của dự án này là Liên doanh tư vấn giám sát hợp đồng (MEINHARDT-CMB-TL12) không xác nhận thanh toán.
Lý do chính của đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng đưa ra là “Tiêu chuẩn thép không có trong tiêu chuẩn UBND TP. HCM duyệt; Chỉ dẫn kỹ thuật: S355 xuất xứ G7, cơ tính và hóa tính tương đương S355”. Cụ thể là thép cửa van làm cống ngăn triều của thành phố phê duyệt phải là thép không rỉ và xuất xứ từ các nước G7, nhưng chủ đầu tư Trung Nam lại dùng thép đen của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tâm Tiến cho rằng, thông tin này hoàn toàn không chính xác. Bởi cho dù, trong hồ sơ thiết kế, bản chỉ dẫn kỹ thuật có nội dung trên, nhưng quy định như vậy là trái với Luật Xây dựng (điểm đ, khoản 2, Điều 86): “Không được chỉ định nhà sản xuất cung cấp vật liệu, vật tư và thiết bị xây dựng trong nội dung thiết kế xây dựng của công trình sử dụng vốn nhà nước”.
Và để phù hợp với các quy định của pháp luật, đơn vị tư vấn thiết kế đã đính chính lại nội dung chỉ dẫn kỹ thuật: “Vật tư chính chế tạo cửa van là thép S355 hoặc tương đương”.
Về kỹ thuật chuyên ngành thì bản vẽ là quan trọng nhất trong hồ sơ thiết kế, làm căn cứ để triển khai thi công. tư vấn giám sát hợp đồng không thể căn cứ vào một điều khoản chưa phù hợp quy định pháp luật để không xác nhận thanh toán.
Mới đây, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP. HCM (Trung tâm chống ngập) vừa có văn bản báo cáo UBND TP. HCM về ý kiến của Liên doanh tư vấn giám sát hợp đồng, rà soát pháp lý việc tạm ứng cho nhà thầu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.
Theo đó, Liên doanh tư vấn giám sát hợp đồng kiến nghị UBND TP. HCM thu hồi 1.518 tỷ đồng đã xác nhận giải ngân tạm ứng cho nhà thầu Trung Nam trong giai đoạn đầu dự án do không phù hợp quy định pháp luật.
Tuy nhiên Trung tâm chống ngập cho rằng khuyến cáo này không có cơ sở. Cụ thể, về pháp lý, số tiền đã tạm ứng phù hợp quy định luật Xây dựng, Nghị định 37/2015 của Chính phủ, hợp đồng chuyển giao - xây dựng của dự án. Việc tạm ứng trên cũng được các bộ Xây dựng, KH-ĐT, Tài chính, các sở, ban, ngành TP hướng dẫn, đồng thuận.
Bên cạnh đó, việc giải ngân và thu hồi tạm ứng 1.518 tỷ đồng thuộc trách nhiệm của Trung Nam và BIDV theo các điều kiện Hợp đồng tín dụng đã ký kết giữa 2 đơn vị. Đoàn Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 5 sau khi tiến hành kiểm toán từ ngày 6.3 - 5.5 không kết luận việc tạm ứng vi phạm pháp luật, không đề nghị thu hồi số tiền trên.
Trung tâm chống ngập và Sở KH-ĐT cũng thống nhất không cần thiết bổ sung Phụ lục hợp đồng BT về vấn đề này.
Trước đó, trong buổi họp báo thông tin về tiến độ dự án, Công ty Trung Nam bác bỏ tất cả cáo buộc tự ý thay đổi vật liệu, sử dụng thép Trung Quốc kém chất lượng của Liên doanh tư vấn giám sát hợp đồng, đồng thời cho rằng đơn vị này luôn có những hành động cố tình cản trở hoạt động của dự án.
Hải Đăng