Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM cho biết, số ca mắc mới Covid-19 trong ngày 18/4/2023 tại TP. HCM tiếp tục tăng nhẹ với 47 trường hợp mắc mới. Trong đó, có 27 trường hợp có chỉ định nhập viện điều trị, số đó có 24 người bệnh phải thở oxy (không có trường hợp thở máy) hầu hết là người cao tuổi có bệnh nền.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Quỳnh Trần)

Trước tình hình dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại, do miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 bắt đầu có xu hướng giảm dần trên địa bàn TP. HCM (từ 98,7% vào tháng 9/2022 nay giảm xuống còn 94.17%) và sự xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron, UBND TP. HCM đã chỉ đạo ngành y tế thành phố và UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức, cần triển khai ngay các giải pháp nhằm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.

Cụ thể, đối với ngành y tế thành phố và UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức:

Cập nhật danh sách và quản lý người thuộc nhóm nguy cơ: UBND xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn (bao gồm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 ở người trên 18 tuổi); chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp tổ chức rà soát, cập nhật danh sách, chuẩn hóa dữ liệu người thuộc nhóm nguy cơ, đảm bảo các dữ liệu chính xác và được cập nhật kịp thời;

Tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19: Rà soát lập danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 hoặc tiêm chưa đủ liều; vận động, thuyết phục người dân đến các điểm tiêm trên địa bàn; tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức tiêm lưu động đến tiêm tại nhà cho những người không di chuyển được; 

Tổ chức tiêm mũi bổ sung, tiêm nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ mũi cơ bản; đặc biệt tại các địa phương có tỷ lệ người thuộc nhóm nguy cơ tiêm mũi nhắc lại lần 2 dưới 80%; đồng thời, rà soát, tổ chức tiêm tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ cho người sống chung, người cùng gia đình với người thuộc nhóm nguy cơ;

Tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19: Hỗ trợ người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ theo dõi sức khỏe và điều trị ngay khi phát hiện mắc Covid-19; khi thực hiện việc cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà cho người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn về cách tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà; cấp phát thuốc điều trị Covid-19 theo quy định;

Cần tách riêng người thuộc nhóm nguy cơ để thực hiện việc theo dõi sức khỏe, đảm bảo việc giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mắc Covid-19; thực hiện việc theo dõi, cách ly, điều trị cho người sống chung, người cùng gia đình bị mắc Covid-19 cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn;

Tổ chức truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe: Cần truyền thông, tư vấn cho người nguy cơ, hộ gia đình có người nguy cơ biết cách tự theo dõi sức khỏe, thực hiện tốt thông điệp 2K; đặc biệt, tuân thủ đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế tụ tập và đến nơi đông người;

Khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở, đau mỏi người, mệt mỏi, mất vị giác hoặc khứu giác... cần báo ngay cho trạm y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi, cách ly và điều trị.

Hoàng Bách