Ngoài ra, để hạn chế các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức khi tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp, cũng như hạn chế hiện tượng tham nhũng nói chung, TP.HCM đã xem mục tiêu nâng cấp, xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính (cổng thông tin điện tử tại các sở, ngành, quận huyện; dịch vụ công trực tuyến ở các cấp độ cao) là chùm giải pháp có tính chiến lược.

TP. HCM: Sẽ thanh tra hàng loạt vấn đề nổi cộm - Hình 1

Kiểm toán Nhà nước mới đây chỉ ra hàng loạt vấn đề bất cập liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri)

Vấn đề hạn chế các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức cũng đã được khẳng định ngay trong cuộc họp mới đây của UBND TP.HCM về cải cách hành chính. Theo đó, Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đã thống nhất với đề xuất của Bưu điện Việt Nam về việc tổ chức cho lực lượng cán bộ, nhân viên cơ quan này (khoảng 1.200 người) tới tận các phường, thôn, xã để hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian đi lại cho người có nhu cầu, đồng thời hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa công chức các cơ quan công quyền với doanh nghiệp và người dân.

Dự kiến, mô hình này sẽ được thí điểm trước ở các khu chung cư, khu tập thể để tạo hiệu ứng truyền thông cho người dân trên diện rộng.

Riêng về công tác tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo nói chung, ông Tuyến cũng “khuyến khích” các cơ quan tiếp nhận phản ánh về nhũng nhiễu, phiền hà phải có động thái lắng nghe - giải quyết.

Trước hết là phải thông tin cho người dân, doanh nghiệp được biết cơ quan chức năng “đã nhận được đơn, thư” (có thể qua tin nhắn điện thoại, các ứng dụng công nghệ). Sau đó, tiếp tục có cơ chế thông tin cho người tố cáo biết quá trình xử lý.

“TP.HCM hoan nghênh đơn vị nào làm trước! Không ai xung phong thì sang năm 2019, Thành phố cũng sẽ ra quy định bắt buộc mọi sở, ngành, quận, huyện phải trả lời dân. Dù người tố cáo không yêu cầu chính quyền phải giải quyết cho đạt 10 điểm, nhưng ta cũng phải làm được 7, 8 điểm. Thậm chí nếu cơ quan chức năng không đồng ý với người dân cũng phải giải thích lý do rõ ràng để người ta tâm phục, khẩu phục. Tránh tình trạng ‘im lặng’ như hiện nay”, ông Tuyến khẳng định.

Phương Hiền / Cổng thông tin điện tử Chính phủ