Theo đó, các cơ sở phải đáp ứng các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đối với địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp độ 1 và cấp độ 2, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động bình thường mới.

Đối với địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 3, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ ăn, uống tại chỗ không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm; không được bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn.

Đối với địa bàn được đánh giá cấp độ dịch là cấp 4, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang đi, không phục vụ ăn, uống tại chỗ.

Sau thời gian thực hiện thí điểm, UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm gửi Sở Công Thương thành phố tổng hợp, đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh.

Trước đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương đã đề xuất UBND thành phố xem xét 2 phương án kinh doanh đồ uống có cồn.

Phương án 1: Cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống trên toàn thành phố được phục vụ thức uống có cồn trong điều kiện có kiểm soát cụ thể. Điều kiện là các cơ sở phải đáp ứng bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh ăn uống. Trong đó, khách hàng phải tiêm đủ liều vaccine; cơ sở kinh doanh hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày, mật độ phục vụ bàn ăn cách nhau 2m.

Phương án này đảm bảo tính thực thi thống nhất trên toàn thành phố nhưng chưa linh hoạt theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Phương án 2: Căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch Covid-19 ở từng địa bàn, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức được xem xét, đánh giá, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép hoạt động kinh doanh sử dụng đồ uống có cồn trên địa bàn.

Phương án này linh hoạt, khai thác hoạt động kinh doanh ăn uống phù hợp với tình hình dịch bệnh, tuy nhiên tính thực thi có thể không nghiêm giữa các địa phương.

Nguyễn Tùng - Hoàng Dương