Theo đó, ngay sau khi HĐND TP ban hành Nghị quyết 10, đơn vị này đã chỉ đạo Cảng vụ đường thủy nội địa xây dựng kế hoạch thuê dịch vụ hệ thống thu phí nhằm triển khai thực hiện thu phí theo đúng tiến độ đề ra. Đến nay, Cảng vụ đường thủy nội địa đã hoàn thành việc đấu thầu và đã ký hợp đồng với các nhà thầu cung cấp phần cứng và phần mềm công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác thu phí. Hiện nay, các trang thiết bị phục vụ cho hệ thống thu phí được các nhà thầu đang triển khai tổ chức thi công.
Đồng thời, Sở GTVT TP.HCM phối hợp với Cục Hải quan TP đã tổ chức họp với các doanh nghiệp cảng, ngân hàng thương mại để hướng dẫn việc kết nối tới hệ thống thu phí, chuẩn bị cho việc chạy thử nghiệm hệ thống thu phí vào giữa tháng 6 và chính thức thu phí từ 0 giờ ngày 1/7, triển khai trên tất cả cửa khẩu cảng biển thuộc khu vực TP.HCM.
Theo đó, quy trình thu phí tự động là người nộp phí kê khai thông tin hàng hóa trên hệ thống thông quan điện tử của cơ quan hải quan. Sau đó, người nộp phí thực hiện khai nộp phí bằng cách nhập thông tin số tờ khai hải quan xuất nhập khẩu lên hệ thống thu phí của cảng vụ. Hệ thống thu phí tự động sẽ thông tin về số tiền phải nộp.
Sau đó, người nộp phí sử dụng các ứng dụng thanh toán 24/7 của các ngân hàng thương mại hoặc các ví điện tử để nộp phí. Biên lai điện tử sẽ được tạo tự động và gửi cho người nộp để họ hoàn tất thủ tục ra vào cảng.
Đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu sẽ áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/cont với container 40ft và 2,2 triệu đồng/cont với container 20ft.
Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/cont đối với container 20ft, 1 triệu đồng/cont đối với container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM sẽ áp dụng mức thu là 250.000 đồng/cont đối với container 20ft, 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Việc đối soát dữ liệu thu phí được thực hiện định kỳ giữa Cục Hải quan TP, Cảng vụ Đường thủy nội địa, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cảng đều được thực hiện trên cơ sở đối soát tự động nên hạn chế được tối đa các sai sót có thể xảy ra.
Theo Đề án thu phí, toàn bộ số thu phí kết cấu hạ tầng sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí được nộp vào ngân sách thành phố, Sở Tài chính phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TP bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các cảng biển (đường bộ và đường thủy) theo danh mục đề xuất của Sở GTVT hằng năm được UBND TP và HĐND TP thông qua.
Dự kiến nguồn thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 theo đề án khoảng 16.000 tỉ đồng.
Thuận Yến – Thùy Linh