16 quốc gia bàn về kinh nghiệm thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp
Đối thoại Hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 2, với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển”, sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 24/09/2024. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của 36 đoàn đến từ 16 quốc gia như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và nhiều quốc gia khác.
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ được nghe báo cáo tổng quan về tiến trình chuyển đổi công nghiệp tại TP.HCM. Đồng thời, sẽ có những cuộc thảo luận về kinh nghiệm quốc tế trong việc thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, bao gồm việc xây dựng chính sách, đổi mới công nghệ và huy động nguồn lực từ các mô hình hợp tác công tư (PPP). Các đại biểu cũng sẽ đánh giá những thách thức mà TP.HCM đang đối mặt trong quá trình chuyển đổi công nghiệp và đề xuất các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.
Một điểm nhấn của sự kiện là lễ công bố Biểu tượng hữu nghị quốc tế của TP.HCM, cùng chương trình tiệc trà hữu nghị, nơi giới thiệu văn hóa trà Việt đến bạn bè quốc tế.
Vào buổi chiều và tối ngày 24/9, các đại biểu tham gia sự kiện sẽ khoác lên mình những bộ áo dài truyền thống Việt Nam được thiết kế riêng, làm từ chất liệu gấm và lụa với họa tiết lá tre cách điệu. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt, không chỉ nhằm tôn vinh vẻ đẹp văn hóa Việt mà còn quảng bá tà áo dài đến bạn bè quốc tế.
Còn Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5 sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 27/9/2024, với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”. Đến thời điểm hiện tại, đã có 40 đoàn từ các quốc gia và tổ chức quốc tế xác nhận tham gia.
Tại phiên toàn thể, các đại biểu sẽ được lắng nghe báo cáo về các xu hướng chủ đạo (Megatrends) trong chuyển đổi công nghiệp trên thế giới, hệ sinh thái quản trị và chiến lược chuyển đổi công nghiệp của TP.HCM trong bối cảnh kết nối khu vực và quốc tế. Đặc biệt, vai trò của Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP.HCM sẽ được nhấn mạnh.
Ban tổ chức Đối thoại Hữu nghị và Diễn đàn Kinh tế năm 2024 thông tin về chương trình(Ảnh: Cẩm Viên)
Diễn đàn cũng sẽ tổ chức các phiên thảo luận chuyên đề về vai trò của C4IR trong quá trình chuyển đổi công nghiệp, chiến lược ưu tiên trong phát triển công nghiệp, và sự tham gia của các doanh nghiệp trong quá trình này.
Một trong những sự kiện quan trọng của diễn đàn là phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ vào ngày 25/9. Tại đây, các doanh nghiệp, địa phương sẽ có cơ hội thảo luận trực tiếp với Thủ tướng và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng và giải pháp trong việc chuyển đổi công nghiệp, đồng thời đưa ra các kiến nghị chiến lược nhằm hỗ trợ quá trình này.
Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện, UBND TP.HCM sẽ tổ chức lễ khánh thành và ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR), chính thức đi vào hoạt động từ ngày 24/9/2024. Trung tâm sẽ hoạt động theo mô hình kết hợp giữa khu vực công và tư, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn.
Thúc đẩy chuyển đổi xanh và số hóa
Tại buổi họp báo, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chia sẻ kỳ vọng rằng với sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và đại biểu quốc tế, Đối thoại Hữu nghị TP.HCM và Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 sẽ mở ra những cơ hội mới, giúp ngành công nghiệp của thành phố phát triển bền vững.
Ông An nhấn mạnh, chuyển đổi công nghiệp là nhu cầu cấp bách để TP.HCM nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm phát thải và thân thiện với môi trường. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn tăng khả năng hội nhập, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ông cũng chỉ ra rằng Thành phố cần chuyển đổi kép: "Vừa chuyển đổi xanh và số hóa, vừa ứng dụng công nghệ cao để nâng cấp chuỗi giá trị công nghiệp, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh vai trò trung tâm kinh tế của TP.HCM đang có dấu hiệu suy giảm".
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, đã chia sẻ quan điểm về thực trạng và định hướng phát triển của doanh nghiệp tại TP.HCM. Ông cho biết, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố rất đông nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa khiến tỷ lệ cạnh tranh khá yếu.
Đặc biệt, tại thời điểm này tỷ lệ xuất khẩu đã giảm từ 45% xuống còn 12% và tỷ trọng đóng góp vào GDP trước đây cũng giảm từ 52% xuống còn 15%. Nguyên nhân chính đến từ việc Thành phố vẫn đang phát triển theo chiều rộng, trong khi khả năng tận dụng nguồn vốn và công nghệ cao không còn nhiều. Với diện tích đất công nghiệp hạn chế, việc phát triển thêm diện tích này không khả thi. Thay vào đó, cần tập trung khai thác hiệu quả các khu công nghệ cao và thúc đẩy kinh tế số.
Ông Hòa nhấn mạnh, xu hướng phát triển bền vững là một tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Việc hội nhập ngày càng sâu rộng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn mới, đặc biệt là các tiêu chuẩn xanh và bền vững. Nếu không tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp có thể mất thị trường.
Ngược lại, việc tuân thủ các tiêu chuẩn sẽ giúp doanh nghiệp trở thành một phần của chuỗi giá trị toàn cầu. Trung ương đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng, trong đó tập trung vào việc chuyển đổi mô hình công nghiệp sang kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Điều này sẽ tạo ra nền tảng mới, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững, đặc biệt là hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2025.
"Chuyển đổi công nghiệp không chỉ giúp tăng giá trị kết nối mà còn nâng cao vị thế của thành phố. Để thực hiện thành công quá trình này, cần có sự tham gia của nhiều bên, từ doanh nghiệp, chính quyền trung ương đến các địa phương lân cận", ông Hòa nói.
Tại họp báo nhiều đại biểu cũng cho rằng, thời gian qua Trung ương đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi số và phát triển bền vững và điều quan trọng là các chính sách này phải thực sự thấm sâu vào đời sống doanh nghiệp. Đồng thời, việc chuyển đổi lao động cũng là yếu tố quan trọng, đặc biệt là khi các địa phương trong vùng có sự hợp tác chặt chẽ. TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương để cùng nhau phát triển công nghiệp bền vững.
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị Quốc tế Lê Trường Duy, Đối thoại Hữu nghị được kì vọng là sân chơi để địa phương trao đổi, tiến đến hợp tác trong chuyển đổi công nghiệp, cầu nối giữa TP.HCM với các địa phương quốc tế kết nghĩa, nhằm mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp chuyển đổi công nghiệp hướng tới việc phát triển bền vững. Cùng với Đối thoại Hữu nghị, Diễn đàn Kinh tế sẽ đi sâu vào những vấn đề chuyên môn, đưa ra những giải pháp, chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế TP.HCM.
Hương Thủy(Nguồn: https://laodongthudo.vn/)