Theo chỉ đạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch ngăn chặn và ứng phó đối với khả năng bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn TP; công khai thông tin số điện thoại đường dây nóng để nhân dân cung cấp thông tin liên quan các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các sản phẩm heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn heo, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Đối với Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, UBND TP chỉ đạo tăng cường giám sát đàn heo trên địa bàn và thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc và cập nhật tình hình, diễn biến dịch tả heo châu Phi trên địa bàn TP.HCM.

TP.HCM: Triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi - Hình 1

Ảnh minh họa

UBND TP.HCM chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường TP tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh heo và các sản phẩm heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, đặc biệt tại các địa bàn cửa ngõ giao thông ra vào Thành phố.

Đối với Sở Giao thông vận tải TP.HCM, UBND TP yêu cầu tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt các phương tiện vận chuyển heo và sản phẩm heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.  

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố tăng cường tuyên truyền tác hại bệnh dịch tả heo châu Phi, khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm heo thịt không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch.

UBND TP.HCM cũng chỉ đạo UBND các quận/huyện có trách nhiệm giám sát tình hình chăn nuôi, dịch tễ trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh; khuyến cáo cơ sở, trại chăn nuôi thực hiện biện pháp an toàn sinh học, tăng khả năng đề kháng của gia súc. Đồng thời, quận, huyện vận động người chăn nuôi chỉ mua con giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y.

UBND TP.HCM còn chỉ đạo UBND quận/huyện giám sát tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh giữa các địa phương, các tuyến đường thông với các trục đường chính ra vào Thành phố.

Tại Trung Quốc dịch đã lan từ Đông Bắc đến Đông Nam Trung Quốc. Tổng số các tỉnh có bệnh đã lên con số 11 trên tổng số 25 tỉnh của Trung Quốc. Cho đến nay, sau 3 tháng có dịch Trung Quốc đã phải tiêu hủy 200.000 con lợn.

Dịch tả lợn Châu Phi được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) liệt vào danh sách các bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm. Hiện nay bệnh chưa có vaccine phòng bệnh, không có thuốc chữa, tỉ lệ lợn mắc bệnh bị chết lên tới 100%, virus lây lan qua nhiều đường, thời gian sống của virus rất dài, có thể lên tới nhiều tháng trời.

                         Diệp Bắc