Ghi nhận giảm so với các tuần trước

Cụ thể, số ca mắc bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng từ giữa tháng 5 và tăng rất nhanh 1 tháng sau đó. Nếu so với số ca mắc của trung bình 4 tuần trước thì tốc độ gia tăng số ca mắc bệnh đang có xu hướng tăng chậm lại.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số ca mắc bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng từ tuần 20 và tăng rất nhanh từ tuần 25. Riêng trong tuần 31, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 2.401 ca mắc tay chân miệng, số ca mắc bệnh giảm so với tuần 30 (ghi nhận 2.665 ca mắc).

Nếu đem số ca mắc bệnh trong tuần so với số của trung bình 4 tuần trước đó thì tuần 26, 27, 28 là các tuần có số mắc tăng nhanh với tỷ lệ tăng khoảng 107-126%, gấp hơn 2 lần.

Tỷ lệ này còn khoảng 43-62% trong tuần 29, 30 tức là số ca mắc trong tuần 29,30 so với trung bình 4 tuần trước tăng 1,5 lần. Và trong tuần 31, số ca mắc bệnh chỉ còn tăng 5,6% so với trung bình 4 tuần trước. Tốc độ gia tăng của bệnh trong các tuần gần đây có xu hướng chậm lại.

Số ca bệnh tay chân miệng ở TP. Hồ Chí Minh giảm sau nhiều tuần
Số ca bệnh tay chân miệng ở TP. Hồ Chí Minh giảm sau nhiều tuần (Ảnh: Bộ Y tế)

Tính đến ngày 06/8, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 16.355 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022 (11.203 ca). Tốc độ gia tăng số ca mắc trong các tuần gần đây có xu hướng chậm dần.

Tổng số ca nhập viện trong tuần qua là 736 ca, giảm 82 ca so với tuần trước, số ca có địa chỉ Thành phố chiếm 45,2%. Tổng số ca xuất viện trong tuần là 924 ca, nhiều hơn 150 ca so với tuần trước.

Số ca nhập viện mới mỗi ngày dao động từ 87-145 ca/ngày, trung bình giảm khoảng 5% so với tuần trước. Số ca nặng điều trị dao động từ 19-30 ca/ngày, trung bình giảm khoảng 15% so với tuần trước. Số ca nặng của TP. Hồ Chí Minh dao động từ 01-08 ca/ngày, trung bình giảm khoảng 42% so với tuần trước đó. Hiện TP. Hồ Chí Minh chưa ghi nhận ca tử vong.

Trong thời gian qua, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường giám sát những hoạt động phòng, chống tay chân miệng tại cộng đồng, các trường học, trường mầm non công lập và tư thục và nhóm trẻ trên địa bàn; tăng cường các hoạt động truyền thông, khuyến cáo cộng đồng về phòng chống dịch bệnh tay chân miệng; tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh gửi tin nhắn cho từng người dân về phòng, chống bệnh tay chân miệng; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động truyền thông phòng chống dịch tại các địa phương; tổ chức lớp tập huấn cho các giáo viên các trường mầm non cách phát sớm các triệu chứng nặng của tay chân miệng để đưa trẻ đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời…

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục duy trì tổ chức hoạt động giao ban trực tuyến định kỳ hàng tuần với các tỉnh, thành phố phía nam về công tác thu dung và điều trị bệnh tay chân miệng để cập nhật, đánh giá tình hình dịch bệnh trên toàn khu vực, đồng thời thảo luận, phân tích các ca bệnh nặng, nâng cao năng lực điều trị đối với các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối của các tỉnh, giúp người bệnh tại tỉnh được điều trị sớm, kịp thời, hạn chế chuyển viện không an toàn.

Thuốc phenobarbital đã được cung ứng trở lại

Vừa qua, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh việc vừa có thêm 1.000 lọ gamma-globulin, mới đây 21.000 ống thuốc phenobarbital dạng tiêm vừa về đến Việt Nam sau thời gian dài bị gián đoạn, kịp thời bổ sung nguồn thuốc quan trọng cho công tác điều trị bệnh tay chân miệng nặng tại 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trên địa bàn thành phố đang trong giai đoạn đỉnh điểm.

Phenobarbital là thuốc điều trị quan trọng có trong phác đồ điều trị tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30/03/2012. Theo phác đồ này, thuốc phenobarbital có thể dùng bằng đường uống hay đường tiêm, ưu tiên dạng tiêm khi bệnh nhân nặng. Phenobarbital sử dụng cho trẻ em với nhiều ưu điểm và ít tác dụng phụ, đã được các bác sĩ sử dụng cho bệnh nhi từ rất lâu.

Phenobarbital sẽ được sử dụng điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng nặng
Phenobarbital sẽ được sử dụng điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng nặng (Ảnh: Hải Yến)

Trong bệnh tay chân miệng, phenobarbital có vai trò cắt các cơn co giật kéo dài và dự phòng các tái phát co giật. Bên cạnh đó, phenobarbital còn có tác dụng an thần, làm giảm các biểu hiện thần kinh, giật mình ở trẻ. Ngoài ra khi có phù não (trong trường hợp nặng) thuốc góp phần làm giảm phù não, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy của não.

Tuy nhiên, khó khăn trong công tác điều trị đã xảy ra khi nguồn cung ứng thuốc phenobarbital trong nước bị hạn chế và gián đoạn một thời gian dài từ cuối năm 2020.

Trước tình hình này, hội đồng chuyên môn của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã họp và thống nhất chọn lựa các thuốc an thần khác tạm thay thế hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam… trong thời gian chờ đợi các doanh nghiệp dược Việt Nam tìm nguồn cung ứng từ các nước khác.

Đồng thời, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng đã có công văn kiến nghị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc và công ty nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu Phenobarbital điều trị của các bệnh viện.

Sau thời gian dài tìm kiếm, ngày 1/2/2023, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 đã tìm ra nơi cung ứng thuốc phenobarbital thay thế và đã được Cục Quản lý Dược cấp giấy phép nhập khẩu thuốc đối với 21.000 ống thuốc Barbit injection 200mg/ml (phenobarbital dạng tiêm) từ nhà sản xuất Incepta Pharmaceutical Ltd (Bangladesh) về Việt Nam.

Phải mất một thời gian dài để làm thủ tục vì thuốc Phenobarbital là thuốc hướng thần thuộc nhóm thuốc phải kiểm soát đặc biệt nên phải có giấy phép xuất khẩu từ phía cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.

Đến ngày 31/7/2023 vừa qua, 21.000 ống thuốc phenobarbital dạng tiêm đã về đến Việt Nam và được Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 cung ứng ngay cho các bệnh viện chuyên khoa Nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh phục vụ công tác điều trị bệnh tay chân miệng đang trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để chủ động nguồn cung trong nước, Cục Quản lý Dược cũng đã cấp phép nhập khẩu nguyên liệu phenobarbital cho Công ty cổ phần Dược Danapha để thực hiện sản xuất phenobarbital dạng tiêm. Công ty cổ phần Dược Danapha cũng đang triển khai kế hoạch sản xuất để sớm cung ứng phenobarbital dạng tiêm cho các bệnh viện.

Tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa, có thể diễn tiến nặng nhanh đe dọa tính mạng của trẻ. Vì vậy, phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên cần thực hiện các biện pháp để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, gồm: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày; và khi trẻ mắc bệnh hãy để trẻ ở nhà ít nhất 10 ngày để theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ...

Hoàng Bách