Thực hiện kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi của UBND tỉnh Quảng Bình, sau khi rà soát các địa phương tại Quảng Bình đồng loạt tổ chức tiêm vaccine sởi cho trẻ nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch, chủ động phòng chống dịch, giảm số ca mắc và tử vong do sởi trên địa bàn.

Đến nay, gần 16.300 trẻ tại Quảng Bình đã được tiêm vaccine sởi, góp phần tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng. Một số địa phương có tỷ lệ tiêm chưa cao vẫn đang tiếp tục tiến hành tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp còn lại.

Gần 16.300 trẻ tại Quảng Bình đã được tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi.
Gần 16.300 trẻ tại Quảng Bình đã được tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi.

Theo báo cáo của CDC Quảng Bình, tỷ lệ trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi được tiêm vaccine sởi đạt 79,2%, tỷ lệ tiêm vaccine sởi ở trẻ 1 - 5 tuổi đạt 90,9%, và trẻ từ 6 - 10 tuổi đạt 92,4%.

Ngoài một số huyện và thị xã có tỷ lệ tiêm chủng cao như huyện Quảng Trạch (94,9%) và thị xã Ba Đồn (94,1%), tại các huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa, tỷ lệ tiêm chưa cao do nhiều bất lợi về địa hình, địa điểm và dân cư.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, và giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi trên địa bàn, CDC Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục duy trì chiến dịch tiêm vét cho các đối tượng, nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng.

Đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số CDC Quảng Bình tiếp tục triển khai chiến dịch, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm đầy đủ.

Theo lãnh đạo CDC Quảng Bình cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác phòng chống dịch sởi và tiêm chủng của địa phương còn gặp phải mộ số khó khăn: Thời gian triển khai chiến dịch gấp rút gây khó khăn trong việc điều tra đối tượng và dự trù số lượng vaccine; công tác quản lý đối tượng tiêm chủng chưa đồng bộ; bên cạnh đó, ý thức phòng bệnh ở một số bộ phận người dân còn hạn chế, dẫn đến tình trạng chủ quan, lơ là và không phối hợp đưa con tham gia tiêm chủng.

Khánh Trình